Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu chọn chất vấn trách nhiệm về dự án ngàn tỷ đắp chiếu
Hữu Tuấn - 14/11/2016 08:02
 
Nhóm vấn đề “Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hoá, lãng phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan” được “bỏ phiếu” để đưa ra chất vấn cao nhất trong 16 nhóm vấn đề xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề “nóng” nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này.
TIN LIÊN QUAN

Rất có thể, trong các phiên chất vấn diễn ra từ ngày 15/11 đến 17/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn giải trình với Quốc hội về nhóm vấn đề này.

Câu chuyện “hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu, phá sản” đã nóng lên ngay từ những ngày đầu của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

.
.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết: “Qua nghiên cứu 65 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư mà Chính phủ đã chuyển cho đại biểu Quốc hội, tôi vô cùng lo lắng. Riêng 4 dự án gồm Sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỷ đồng. Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không, nợ sẽ chồng lên nợ. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng nêu thực trạng quyết định đầu tư mà không tính toán đến khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, phê duyệt hình thức, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần…

“Xác định có bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố. Có như vậy mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư như hiện nay. Chỉ 5 dự án là Sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã làm tiêu tan trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, Gang thép Thái Nguyên dự kiến đầu tư 3.800 tỷ đồng, rồi tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi”, ông Phương nói.

“Kiểu báo cáo và thẩm tra hiện nay chỉ như bắn chỉ thiên. Cái chung chỉ ra được, nhưng lý do cụ thể khiến vốn đầu tư thất thoát, lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân thì không chỉ ra được, nên không tạo ra bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư trong thời gian tới”, ông Phương gay gắt.

Bức xúc trước những dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Công thương và các cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hoan nghênh việc công bố các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đắp chiếu và đề nghị sớm lập danh mục những dự án này.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương câu hỏi: “Tôi nghĩ, cả xã hội cũng như tất cả đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến các dự án hiện nay bị đắp chiếu, gây lãng phí một nguồn lực rất lớn của xã hội. Quan tâm của xã hội là Bộ trưởng đã tính toán phương án để xử lý những dự án bị đắp chiếu này chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội biết và cho công luận biết”.

Liên quan nhóm “3 dự án nhiên liệu sinh học của PVN (Nhà máy Phú Thọ, Dung Quất, Bình Phước) “đốt” 5.400 tỷ đồng, nhưng 3 dự án này hoặc không vận hành thương mại được hoặc đang nằm đắp chiếu dở dang, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) đề nghị “Bộ Công thương cần có chính sách để đưa các nhà máy ethanol này hoạt động trở lại”.

Theo phân tích của ông Chung, vấn đề mấu chốt của các dự án trên là nguồn nguyên liệu đầu vào là sắn còn thiếu để sản xuất và đầu ra là người dân không sử dụng xăng sinh học. Vì vậy, cần tuyên truyền cho người dân sử dụng xăng sinh học và bố trí quỹ đất chuyển đổi cho nguồn vật liệu để làm “sống lại các nhà máy”.

Ý tưởng về một giải pháp tổng thể, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của các dự án đầu tư không chỉ dừng lại 5 dự án, mà còn nhiều dự án khác. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2005 - 2015. Đây là cơ hội để đánh giá một cách toàn diện về những vấn đề đó, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả, rút kinh nghiệm cho việc tái cơ cấu trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về một loạt vấn đề như giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hoá thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế; phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và bảo đảm an toàn xả lũ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư