Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội nêu điểm khó trong xử lý cán bộ né tránh trách nhiệm
Nguyễn Lê - 31/05/2023 14:31
 
Phiên thảo luận sáng 31/5 của Quốc hội có 4 tấm biển tranh luận được sử dụng, thì 3 trong số đó dùng để tranh luận về công tác cán bộ.
.
Đại biểu Tạ Văn Hạ tranh luận.

“Cái khó của cán bộ là làm sao tham mưu phải đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo”, đại biểu Tạ Văn Hạ nối dài tranh luận về giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né trách nhiệm.

Phiên thảo luận sáng 31/5 của Quốc hội có 4 tấm biển tranh luận được sử dụng, thì 3 trong số đó dùng để tranh luận về công tác cán bộ.

Phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đi thẳng vào vấn đề nhức nhối hiện nay, đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đại biểu Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức, đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn… để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, cần phải làm sao để cán bộ, công chức viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm; và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo" thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Trao đổi thêm với đại biểu Tuấn và đại biểu Hậu, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Tuấn nói là mới có gần đây, nhưng ông thấy hiện tượng này có từ lâu. Song dường như gần đây, có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn.

Theo đại biểu Tám, vấn đề ở chỗ, bây giờ làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý.

“Theo báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021, có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nói rằng, việc đánh giá cán bộ chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải khảo sát bộ phận này là bao nhiêu để xử lý”, ông Tám băn khoăn.

Về giải pháp, đại biểu Tám cho rằng, cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền.

Cạnh đó, vị đại biểu Kon Tum cho rằng, mỗi giai đoạn thì đều có tính kế thừa, nhưng vẫn có sự riêng biệt. Ví dụ, nguồn cảm hứng của sáng tạo phá rào, dám làm từ cởi trói của khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70 của thế kỷ trước, hay những vượt rào dám nghĩ, dám làm từ cởi trói của những đêm trước đổi mới, hiện nay vẫn còn. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tấm biển tranh luận tiếp theo được đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) sử dụng để trao đổi với đại biểu Tuấn, đại biểu Hậu và đại biểu Tám.

Đặt vấn đề, bắt thế nào cho đúng bệnh đùn đẩy, né tránh và làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, ông Hạ lấy ví dụ về câu chuyện đầu tư công. Nếu như đầu tư công năm nay giải ngân hết, hoàn thành kế hoạch sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 2%. Nhưng tại sao đến nay mới giải ngân được 14,66%?

Nếu như theo quy luật, thì năm nay là năm thứ ba thực hiện đầu tư công trung hạn, khi đã hoàn thành hết các thủ tục rồi thì dần dần càng về cuối giải ngân càng cao và càng dễ giải ngân hơn, nhưng tại sao lại như vậy?, ông Hạ nêu vấn đề.

Nói về quy định của pháp luật, ông Hạ cho rằng, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ bằng những cuộc họp bất thường, có rất nhiều nghị quyết để tháo gỡ khó khăn này, làm đến cùng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân cấp, phân quyền rất nhiều, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, đã có công điện để chấn chỉnh vấn đề này nhưng tại sao vẫn không được?

Ông Hạ cho biết, khi trao đổi với cán bộ cơ sở, anh em tâm sự là "Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm là người lãnh đạo người ta xử đến nơi, đến chốn, nhưng cái khó ở đây, làm sao tham mưu phải đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời cũng phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo".

Cái khó trong tham mưu là chỗ đó, cho nên không xử lý được cán bộ không chịu tham mưu, ông Hạ nhấn mạnh và cho rằng, phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu.

“Bây giờ, ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho đứng sang một bên khi không làm được việc, việc này tôi cho mới là điểm chính”, đại biểu Hạ kết thúc tranh luận.

Tình thế nước sôi lửa bỏng, thay cán bộ sợ trách nhiệm như thay cầu thủ bóng đá
Tìm nguyên nhân một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai..
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư