Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
"Đại gia" chip TSMC đạt doanh số kỷ lục
Lê Quân - 11/01/2022 21:40
 
Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC đạt doanh số kỷ lục trong quý IV/2021 do nhu cầu chất bán dẫn tiếp tục được thúc đẩy bởi các khách hàng lớn như Apple và Qualcomm.
Với vốn hóa thị trường hơn 550 tỷ USD, TSMC là 1 trong 10 công ty đắt giá nhất thế giới. Ảnh: AFP
Với vốn hóa thị trường hơn 550 tỷ USD, TSMC là 1 trong 10 công ty đắt giá nhất thế giới. Ảnh: AFP

Doanh số cao kỷ lục trong 6 quý liên tiếp

Hãng chip Đài Loan TSMC vừa công bố doanh số tháng 12/2021 của họ đạt 155,38 tỷ đô la Đài Loan (TWD), tương đương khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 4,8% so với tháng trước đó. Đây là doanh số cao nhất trong một tháng mà TSMC đạt được trong lịch sử.

Tính cả quý IV/2021, tổng doanh số của TSMC đạt 438,18 tỷ TWD, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp tập đoàn này đạt doanh số kỷ lục.

Trong bối cảnh chuyển số được thúc đẩy nhanh chóng bởi dịch Covid-19, nhu cầu về chất bán dẫn dùng cho các ngành sản xuất, từ điện thoại thông minh đến ô tô, liên tục tăng cao. Năm ngoái, tạp chí Nikkei đưa tin, TSMC có kế hoạch tăng giá trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh còn nguồn cung vẫn bị thiếu hụt.

Theo đánh giá của Ngân hàng đầu tư China Renaissance, kết quả tài chính của TSMC “bắt đầu phản ánh lợi ích từ việc tăng giá, tương tự như điều mà các doanh nghiệp cùng ngành đã hưởng lợi vào năm ngoái”.

China Renaissance đã nâng dự báo doanh số năm 2022 của TSMC, với kỳ vọng doanh thu của hãng này sẽ tăng trưởng 23% so với năm trước, chủ yếu nhờ giá bán sản phẩm trung bình tăng cao.

Các kế hoạch đầu tư tỷ USD

"Đại gia" ngành chip Đài Loan đang có kế hoạch đầu tư lớn tại Mỹ và một số quốc gia thân Mỹ. Mới đây, Ủy ban Đầu tư Đài Loan đã phê chuẩn kế hoạch của TSMC về việc thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Nhật Bản, theo tờ Taipei Times. Dự án đầu tư nhà máy mới được phê chuẩn, sẽ giúp TSMC đảm bảo nguồn cung cấp đĩa bán dẫn (wafer) ổn định cho các khách hàng Nhật Bản.

Theo kế hoạch, TSMC dự chi 237,8 tỷ yên (tương đương 2,09 tỷ USD) để cùng Công ty giải pháp chất bán dẫn Sony (SSS) thành lập liên doanh Japan Advanced Semiconductor Manufacturing (JASM) tại tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) nhằm cung cấp dịch vụ sản xuất bán dẫn cho bên thứ ba (foundry services) với công nghệ sản xuất chip từ 22 đến 28 nanomet. Dựa trên các thỏa thuận đã đạt được với SSS, TSMC dự kiến giữ mức cổ phần cao nhất 81% trong liên doanh.

Dự kiến nhà máy của liên doanh TSMC - Sony dự kiến khởi công trong năm 2022 và đi vào sản xuất hàng loạt vào năm 2024 với công suất 45.000 tấm wafer 12 inch mỗi tháng.

TSMC không hẳn là cái tên quen thuộc với đại chúng, nhưng với vốn hóa thị trường hơn 550 tỷ USD, tập đoàn này là 1 trong 10 công ty đắt giá nhất thế giới. Họ trong vai "gã khổng lồ âm thầm" với cam kết đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để nâng cao năng lực sản xuất.

Hiện TSMC tận dụng các nguồn lực lớn để đưa ngành sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới trở lại đất Mỹ. Theo kế hoạch, TSMC sẽ bắt đầu sản xuất dòng chip 5 nanomet tại nhà máy trị giá 12 tỷ USD của tập đoàn này tại Phoenix, bang Arizona vào năm 2024. Tập đoàn này cho biết, nhà máy sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấm wafer mỗi tháng.

"Đó là những bộ phận sẽ được sử dụng ở nhiều linh kiện khác nhau: CPU, GPU, IPU... Chúng sẽ được sử dụng trong điện thoại thông minh", Rick Cassidy, Giám đốc chiến lược của TSMC, đồng thời là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của dự án TSMC ở Arizona.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho các công ty chip như TSMC khi tiến hành sản xuất tại Mỹ. Trong khi các báo cáo trong ngành công nghiệp bán dẫn ước tính rằng sẽ có khoản hỗ trợ đầu tư 50 tỷ USD từ chính phủ Mỹ dành cho việc xây dựng 19 nhà máy ở nước này trong 10 năm tới, nhằm tăng gấp đôi năng lực sản xuất chip của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiệp hội ngành công nghiệp chế tạo điện tử (SEMI) ước tính sẽ có 72 dự án sản xuất chất bán dẫn mới hoặc mở rộng quy mô lớn đi vào hoạt động trong năm 2024, trong số này, 10 nhà máy sẽ được đặt tại Bắc và Nam Mỹ.

"Trong 2 - 3 năm qua, tôi đã nghe rất nhiều tuyên bố về các khoản đầu tư thêm (về sản xuất chip - BTV)", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SEMI, ông Ajit Manocha cho biết. "Với tình hình như vậy, vào cuối năm 2022, tình hình thiếu hụt chip bán dẫn sẽ thuyên giảm", ông Ajit Manocha nói thêm.

Tại thị trường châu Âu, tháng trước TSMC đã có cuộc đàm phán sơ bộ với chính phủ Đức về phương án xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở quốc gia này. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh châu Âu và châu Á của TSMC, bà Lora Ho, cho biết có nhiều yếu tố, bao gồm: trợ cấp chính phủ, nhu cầu khách hàng và đội ngũ nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của TSMC.

Các cuộc thảo luận liên quan khác sẽ diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đang tìm cách tăng sản lượng chip trong nước để giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.

Bà Lora Ho cho biết thêm, TSMC vẫn chưa thảo luận về các ưu đãi với chính phủ Đức hay quyết định địa điểm đầu tư nhà máy.

TSMC có kế hoạch xây dựng nhà máy chip mới tại Mỹ và Nhật Bản
TSMC có kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Mỹ và Nhật Bản, dựa trên sự gia tăng nhu cầu về chip cung cấp cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư