Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đại gia Hàn dốc vốn, Việt Nam tăng tốc
Nguyên Đức - 04/10/2014 07:44
 
Đã có thêm 1,4 tỷ USD nữa được tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đổ vào thị trường Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm chính thức với Tổng thống Park Geun Hye
Việt Nam - địa bàn trọng điểm của nhà đầu tư Hàn Quốc
Nâng tầm Đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn

Đại gia Hàn dốc vốn

Thêm một dự án đầu tư nữa của “ông lớn” Samsung sẽ được triển khai tại Việt Nam, khi trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, UBND TP.HCM đã chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Samsung CE Complex (SECC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD cho lãnh đạo của Tập đoàn.

  Đại gia Hàn dốc vốn, Việt Nam tăng tốc  
  Các dự án của Samsung tại Việt Nam đang hoạt động hiệu quả  

Theo kế hoạch, Dự án được triển khai tại Khu công nghệ cao TP.HCM, trên diện tích 70 ha và sẽ sớm được khởi công vào tháng 1/2015, hoàn thành vào quý II/2016.

“Samsung sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp đưa Dự án đi vào hoạt động, thay thế Dự án Samsung Vina hiện tại, đã sắp hết hạn hoạt động”, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết.

Trong thông cáo chính thức được phát đi hôm 1/10/2014, Tập đoàn Samsung cũng cho biết, SECC là dự án tiếp nối của Dự án Samsung Vina trước đây, nhưng với quy mô lớn hơn, nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu cho khu vực và toàn cầu.

Theo kế hoạch, dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng, như smart TV, TV LCD, LED…; giai đoạn II sẽ sản xuất các sản phẩm gia dụng khác, như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt công nghệ cao. Dự án cũng sẽ không chỉ thực hiện sản xuất đơn thuần, mà còn bao gồm cả nghiên cứu và phát triển (R&D), theo đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam đối với một dự án công nghệ cao, cũng như để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của SECC.

Samsung Vina nhận giấy phép đầu tư từ năm 1995, khánh thành nhà máy vào tháng 9/1996, với tổng vốn đầu tư hơn 36,5 triệu USD. Ban đầu, Samsung liên doanh của Công ty cổ phần TIE để triển khai Dự án, song vào giữa năm ngoái đã quyết định mua lại cổ phần của TIE để đưa Samsung Vina thành 100% vốn nước ngoài.

Vào thời điểm ấy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo của Samsung Vina cho biết, việc trở thành doanh nghiệp vốn ngoại hoàn toàn sẽ giúp Samsung Vina dễ dàng hơn trong các kế hoạch đầu tư tiếp theo. Và nay, viên gạch đầu tiên cho kế hoạch này đã được thiết lập, với quy mô lớn gấp hơn 30 lần nhà máy cũ. Sau khi SECC hoàn thành, Samsung sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Thủ Đức (TP.HCM) hiện tại.

Như vậy, sau Dự án Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 7/2014, thì SECC là dự án đầu tư mới nhất của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Và tính đến nay, tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này có 6 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lên tới 8,25 tỷ USD. Nhiều khả năng, thời gian tới, sẽ tiếp tục có những dự án quy mô lớn nữa được Samsung đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam tăng tốc phát triển

Có một điều cần phải nhắc tới, đó là khi xin chủ trương đầu tư cho Dự án Samsung Display, Tập đoàn Samsung đã khẳng định chiến lược muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. Nay, với Dự án SECC, Samsung không chỉ tiếp tục ghi dấu ấn thành công ở Việt Nam, mà còn một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử và di động.

“Cùng với hai dự án khu tổ hợp công nghệ Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, Dự án Samsung CE Complex tại TP.HCM sẽ tiếp tục góp phần đưa Việt Nam trở thành những mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung”, lãnh đạo của Samsung Vina khẳng định.

Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, thăm trụ sở Tập đoàn Samsung và chứng kiến lễ trao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao năng lực sáng tạo của Tập đoàn Samsung, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử. Tổng Bí thư cũng vui mừng được biết, các dự án của Samsung tại Việt Nam đều hoạt động hiệu quả, thành công, mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người lao động, đồng thời đề nghị Samsung quan tâm nghiên cứu mở rộng đầu tư trên các lĩnh vực tiềm năng theo hướng hai bên cùng có lợi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tới thăm Tập đoàn Keangnam, tập đoàn hiện có Dự án Keangnam, vốn đầu tư 1,05 tỷ USD ở Hà Nội. Tổng Bí thư đã hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung, trong đó có Keangnam tiếp tục ưu tiên mở rộng đầu tư, gắn bó lâu dài và làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp hỗ trợ..., coi Việt Nam như một trọng điểm trong chiến lược kinh doanh của mình.

Không chỉ Samsung, hiện nay, như Báo Đầu tư đã thông tin, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư gần 34 tỷ USD vào Việt Nam. Kumho Asiana, Doosan, Hyundai… là những cái tên đã được nhắc tới. Và các dự án này đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, như giải quyết việc làm, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, và gần đây là các hoạt động liên quan đến R&D.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng với việc thu hút đầu tư các dự án lớn, đã đến lúc phải làm sao để các dự án này không chỉ góp phần tăng năng lực sản xuất, mà còn “lôi kéo” nền kinh tế Việt Nam “lên một đẳng cấp khác”. TS. Trần Đình Thiên cũng là người đã nhắc đến việc đầu tư của Tập đoàn Samsung và nên coi tập đoàn này như một đối tác chiến lược quốc gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư