Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
“Đãi nguy, tìm cơ” trong môi trường biến động
Hà Tâm - 09/08/2023 09:10
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động nhanh và mạnh chưa từng thấy, việc phân tích, dự báo những biến số để tìm cơ hội đầu tư luôn là bài toán khó với nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Thanh

Kịch bản nào cho nền kinh tế cuối năm?

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức hôm qua (8/8) thu hút trên 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư.

Truy tìm ẩn số của nền kinh tế nửa cuối năm làm cơ sở đưa ra quyết sách hành động là một trong những nội dung được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Dẫn tình hình biến động nhanh, phức tạp của kinh tế thế giới 7 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, đang trong dòng xoáy khó khăn. Thị trường tài chính (trái phiếu, chứng khoán), bất động sản… cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Tuy  nhiên, điểm tích cực là xu thế kinh tế dần khả quan hơn. 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ước tính xuất siêu trên 16,5 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước…  

“Dự báo, những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những khó khăn trong nội tại nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, thì sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định. 

Theo phán đoán của các chuyên gia, biến số lớn nhất của kinh tế thế giới nửa cuối năm nay là sự “đảo chiều” chính sách tiền tệ. Hiện có hai luồng quan điểm về khả năng này của các nước lớn (Mỹ, Anh, EU). Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, lạm phát trên thế giới vẫn ở mức cao, nên các quốc gia này chưa thể sớm đảo chiều chính sách tiền tệ, nếu có cũng phải năm 2025. Chiều hướng thứ hai là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ sang nới lỏng từ cuối năm nay, đầu năm tới.

Dù chính sách tiền tệ của các nước lớn có đảo chiều hay không, thì thực tế đáng mừng là kinh tế thế giới đang dần thoát đáy. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều chỉ số như USD Index, PMI ngành sản xuất… tiến dần về mức bình thường, cho thấy kinh tế thế giới đang đi lên từ đáy. Dù tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu tiếp tục phức tạp, thiên tai ngày càng gay gắt, song nhiều khả năng lạm phát cao khó quay lại do sức cầu đang rất yếu. Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam cũng phục hồi từ đáy chữ U.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), dù khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn hiện hữu, song không còn chủ đạo nữa. Sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ, Thụy Sỹ buộc các nước phải cân nhắc hơn khi điều chỉnh lãi suất. Trong nước, Chính phủ đã chuyển hướng chính sách tiền tệ từ chặt chẽ sang linh hoạt, nới lỏng hơn.

Với bối cảnh này, ông Dương đưa ra ba kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2023. Để đạt được kịch bản lạc quan (tăng trưởng 6,46%, lạm phát bình quân 4,39%, tăng trưởng xuất khẩu giảm 2,17%), chuyên gia này khuyến nghị, chính sách phải tập trung đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN; thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Đãi nguy, tìm cơ 

Kinh tế thế giới nửa cuối năm còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, kinh tế trong nước vẫn có nhiều khó khăn nội tại chưa được xử lý. Trong bối cảnh này, lên kế hoạch phân bổ vốn đầu ra ra sao, bỏ tiền vào tài sản nào, lựa chọn phân khúc nào, đầu tư vào nhóm ngành nào, cổ phiếu nào… luôn là câu hỏi làm đau đầu nhà đầu tư.

Hiện các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ vốn vào hai lớp tài sản là tài sản phòng thủ (vàng, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm) và tài sản tăng trưởng (chứng khoán, bất động sản). Các lớp tài sản tăng trưởng thường được nhà đầu tư nhắm tới khi chính sách tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Đây là lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tới 30% từ đầu năm tới nay.

Nhận xét về thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital, kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho hay, hiện có 2 lớp tài sản được nhiều nhà đầu tư quan tâm là trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu niêm yết.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay giảm 64,6% so với cùng kỳ, quy mô thị trường thu hẹp từ mức đỉnh 16,7% GDP năm 2021 xuống chỉ còn hơn 14% GDP và có khả năng giảm xuống 12% GDP năm nay. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu. Đầu tư vào kênh này, ngoài yếu tố lãi suất, nhà đầu tư cần quan tâm đến thông tin về nhà phát hành, tài sản đảm bảo, điều kiện bảo lãnh, cam kết mua lại và các điều khoản khác.

Với thị trường cổ phiếu, dù có sự phục hồi mạnh từ đầu năm đến nay, song tỷ lệ vốn hóa/GDP đã giảm mạnh từ mức 150% GDP xuống còn 86,4% GDP hiện tại. Tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán so với GDP ở Việt Nam còn thấp so với Đài Loan (195,3%), Nhật Bản (126,8%), Hàn Quốc (96,3%)… cho thấy dư địa phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cảnh báo, hiện nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 84% giá trị giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nên dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Hơn nữa, định giá cổ phiếu cũng không còn rẻ. P/E toàn thị trường đã tăng từ đáy (9,6 lần) vào tháng 11/2022 lên mức 14,7 lần hiện nay. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải cân nhắc thận trọng quyết định của mình.

Vinh danh 30 đơn vị Vì sự phát triển dịch vụ tài chính

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh doanh nghiệp “Vì sự phát triển dịch vụ tài chính” cho 30 đơn vị. Đặc biệt, Diễn đàn trao Cúp vinh danh cho các tổ chức đạt Sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023 với 5 hạng mục: dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo. Các sản phẩm/dịch vụ được bình chọn bởi hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp, trên các dữ liệu được công bố công khai, minh bạch và bình chọn của độc giả trên hệ thống báo điện tử Báo Đầu tư tại địa chỉ https://vwa.vir.com.vn.
Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 2: Tiền tỷ trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận đang ở đâu?
Theo lời TVSI, nhà đầu tư sơ cấp đã chuyển hết tiền cho Tổ chức phát hành trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận… Tuy nhiên, sau khi ẵm tiền, nhiều chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư