Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2015):
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ thầy giáo dạy sử đến người viết nên lịch sử
Huy Hào - 07/05/2015 08:24
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xa chúng ta hơn một năm, nhưng tinh anh vị Đại tướng của nhân dân vẫn luôn bên ánh cờ sao của Tổ quốc, bên hơi thở của mỗi người Việt Nam. Lịch sử đã gọi tên ông, nhưng trước đó, chính người thầy giáo dạy sử này đã làm nên lịch sử chói lọi cho dân tộc Việt Nam.

Thầy giáo dạy sử

Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết là nói về vị tướng với tài thao lược, nghệ thuật cầm quân và phong thái toát lên cái uy làm khiếp sợ bao kẻ thù. Nhưng ông cũng là vị tướng rất gần gũi, luôn bình thản, điềm tĩnh, sâu sắc. Phong thái ấy được xem là xuất phát từ cốt cách của một thầy giáo - một thầy giáo dạy lịch sử.

Năm 1929, 18 tuổi, lần đầu tiên chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội. Một người đồng chí của ông ở Đảng Cách mạng Tân Việt đã dẫn ông ra Cửa Bắc của Thành Hà Nội để nhìn hai vết đạn đại bác của thực dân Pháp còn lưu lại. Đó là dấu vết đánh dấu thời điểm Thành Hà Nội thất thủ, khiến tướng Hoàng Diệu phải tuẫn tiết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự thế kỷ XX
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự thế kỷ XX

Có lẽ, lịch sử đau thương của Hà Nội cũng là của dân tộc đã luôn nung nấu trong ông. Sau này, như PGS. Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, lúc còn dạy học ở Thăng Long, Võ Nguyên Giáp hay đến nhà thầy Đặng Thai Mai chơi (thân phụ PGS. Đặng Bích Hà - NV), và hay nói về tinh thần yêu nước, quá khứ anh hùng.

“Ông Giáp thường dẫn học trò ra đê Giảng Võ coi mộ Francis Garnier, ra Cầu Giấy chỉ mộ Henri Rivière, để nung nấu trong thế hệ học trò tinh thần chống Pháp xâm lược”, PGS. Đặng Bích Hà kể lại.

Sau này, khi được tin Đại tướng ra đi, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã viết những dòng kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Những lời chỉ bảo của Đại tướng cho tôi cảm giác được thụ giảng một nhà sử học uyên bác… Niềm tự hào còn ở chỗ, Đại tướng yêu sử và chọn lịch sử làm nghề, chính xác là chọn nghề dạy lịch sử”.

Người làm nên lịch sử

Nhìn lại lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, có thể nói, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng, trui rèn cho đất nước Việt Nam một Quân đội Nhân dân anh hùng - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Từ một đội quân chủ lực đầu tiên chỉ có 34 chiến sĩ, trang bị thô sơ, hoạt động du kích, dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội quân đó đã đánh bại những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất trong suốt 30 năm đất nước tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; gắn liền với Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên trang sử chói lọi cho dân tộc Việt Nam.

Bao tướng lĩnh nước ngoài từng thất bại dưới tay ông đã đau đáu đi tìm nguyên nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tướng Giáp  thắng trận.

Năm 1997, Cecil B. Curry, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đương đại của Mỹ xuất bản cuốn sách tựa đề “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, đánh giá: “Tướng Giáp là con người thông minh và giàu trí tưởng tượng, ông học quân sự trong thực tế, hiện tại, chứ không học trong một viện hàn lâm quân sự nào. Ông chưa từng học trường sĩ quan, không qua một trường cao đẳng quân sự nào, do đó không có các “giải pháp học đường” mà các học viên sĩ quan khác thường khao khát tìm tòi… Nhưng những thử thách mà tướng Giáp cần vượt qua đã khiến ông trở thành bậc thầy về chiến thuật, về hậu cần và chiến lược”.

Người chép sử

Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất đã sống trên trăm năm tuổi, xuyên suốt gần cả thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Trong cuộc đời hoa lửa ấy, ông không chỉ là người cùng toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm, mà còn là người chép lại chính những trang sử đó để lại cho hậu thế.

Những hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: Điểm hẹn của lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” được đánh giá là những bộ sử sống động về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam.

Không nhiều nhà quân sự làm được việc tổng kết lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thành kinh nghiệm, quan điểm mang tính hệ thống, phản ánh được tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Việt Nam.

Sau các bậc tiền bối, như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Đào Duy Từ, chỉ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có những bộ “binh thư” đặc sắc để lại. Có thể kể đến tác phẩm “Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng”; “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”; “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

Người đi vào lịch sử

Trong số những nhà nghiên cứu nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Georges Boudarel là trường hợp rất đặc biệt. Từ nước Pháp, ông đến Việt Nam để dạy môn lịch sử trong một trường trung học ở Sài Gòn. Nhưng rồi, cơ duyên lại đưa ông trở thành người đứng trong hàng ngũ đội quân do Tướng Giáp làm Tổng Tư lệnh.

Có lẽ chính sự tương đồng trong tư duy của một người dạy sử đã giúp Boudarel có sự gần gũi, cảm phục Võ Nguyên Giáp và coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Sau chiến tranh, năm 1977, ông dày công thực hiện và xuất bản cuốn “Võ Nguyên Giáp” (tên nguyên bản tiếng Pháp chỉ là “Giáp”, được dịch và xuất bản ở Pháp năm 2012).

Georges Boudarel đặt ra vô vàn câu hỏi: Vì sao Tướng Giáp giành thắng lợi trước hàng chục sĩ quan, tướng lĩnh cao cấp của phương Tây được đào tạo bài bản, giúp Việt Nam khuất phục những đối thủ nắm tiềm lực vượt trội? Vì sao Võ Nguyên Giáp có thể lãnh đạo đội quân khởi đầu bằng chân đất, áo vải, vũ khí thô sơ đánh bại những đội quân hùng mạnh nhất thế giới?...

Có lẽ, vì sao thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi vẫn mãi là câu hỏi khó có lời đáp thỏa đáng cho giới quân sự, tướng lĩnh nước ngoài và cả chính những đối thủ của ông.

Nhưng với đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam, điều đó chỉ đơn giản, bởi Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam. Như chính câu trả lời của ông đã khiến John Kennedy bất ngờ và thú vị. Trong cuộc phỏng vấn tháng 11/1998, John Kennedy hỏi ông: “Ai là vị tướng người Việt giỏi nhất?”, không chút chần chừ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Nhân dân Việt Nam”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư