Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Thanh Hương - 17/09/2022 11:16
 
Việc giá xăng dầu tiếp tục giảm hơn 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 12/9 đã tiếp sức cho nỗ lực của nhiều cơ quan quản lý nhằm hạ nhiệt giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát.

Tại không ít chợ dân sinh, siêu thị, mặt bằng giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm so với thời điểm xăng dầu ở mức giá cao chót vót hồi cuối tháng 6/2022. Với nhiều doanh nghiệp dịch vụ, vận tải, giá xăng dầu giảm thêm hơn 1.000 đồng/lít đã giúp tiết kiệm một khoản chi đáng kể.

Nhìn tổng thể, sau thời điểm giá xăng RON95 vọt lên mức 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6, kể từ 15 giờ ngày 12/9, giá mặt hàng này đã giảm đáng kể, xuống còn 22.210 đồng/lít. Đóng góp vào sự giảm giá hơn 10.000 đồng/lít xăng RON95 này có sự góp sức từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với giá trị tuyệt đối là 3.000 đồng/lít, áp dụng đến hết ngày 31/12/2022.      

Tác động từ sự giảm giá xăng dầu đến giá cả, lạm phát cho thấy, việc đảm bảo ổn định nguồn cung mặt hàng này có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của Petrovietnam là không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần “năng lượng cho phát triển”.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, nhu cầu xăng dầu cả nước hiện vào khoảng 20,5 - 21 triệu tấn mỗi năm, được đáp ứng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Năm 2021, Việt Nam khai thác gần 11 triệu tấn dầu thô, trong đó có 9,1 triệu tấn từ các mỏ trong nước, gần 1,9 triệu tấn khai thác từ các mỏ nước ngoài mà Petrovietnam hợp tác, đầu tư. 3,1 triệu tấn dầu thô trong số 11 triệu tấn nói trên được xuất khẩu để tối ưu hóa các vấn đề kinh tế, kỹ thuật. Việt Nam cũng nhập khẩu 10,4 triệu tấn dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước và 6,9 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng giá trị 2 nhóm hàng này là 9,4 tỷ USD.

Như vậy, xét về tổng thể, Việt Nam mới tự chủ động được khoảng 45% nhu cầu về xăng dầu. Với tỷ lệ trên, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ còn chịu tác động trực tiếp từ biến động giá cả trên thị trường thế giới.

Tại Việt Nam, do giá dầu tăng cao, nên chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của Petrovietnam đã đạt 627.000 tỷ đồng, về đích kế hoạch cả năm trước 5 tháng. 

Còn tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, nơi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 12.000 tỷ đồng, bằng 50% lợi nhuận của giai đoạn 2009 - 2020.

Tuy nhiên, cả Petrolimex và PV Oil, những doanh nghiệp hiện chiếm phần lớn thị phần xăng dầu, lại gặp thách thức không nhỏ trong cân đối tài chính với hoạt động kinh doanh mặt hàng này khi thực hiện nhiệm vụ giữ ổn định thị trường theo cơ chế điều hành của cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu hiện không còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Bởi vậy, việc dùng mệnh lệnh hành chính cứng nhắc cũng gây ra khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

Đầu năm nay, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố, khiến nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thêm xăng dầu. Song các doanh nghiệp này cho hay, ở thời điểm đó, mỗi tàu dầu nhập khẩu về, doanh nghiệp phải chịu lỗ hơn 1 tỷ đồng. Đây cũng là lý do gián tiếp giải thích vì sao, nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu là doanh nghiệp tư nhân đã áp dụng nhiều chiêu thức để giảm tối đa lượng xăng dầu bán ra, tránh bị lỗ thêm.

Trong bối cảnh giá xăng dầu dù giảm trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài có thể tăng trở lại do xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, do kinh tế Trung Quốc hồi phục khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên, thì việc đưa ra chính sách điều hành giá xăng dầu sát hơn với thực tế, với biến động lớn và liên tục của thị trường thế giới - như kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu - sẽ giúp các doanh nghiệp cung ứng, phân phối mặt hàng này bình ổn tâm lý. Ngoài ra, sự quyết liệt hơn trong xử lý các dầu mối không đảm bảo các yêu cầu về dự trữ xăng dầu, về nguồn gốc hàng hóa... cũng là yếu tố quan trọng giúp ổn định thị trường, góp phần đảm báo an ninh năng lượng.

Nếu không quyết liệt trong kiểm soát thị trường, điều hành giá xăng dầu, thì khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu áp dụng trở lại từ đầu năm tới, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn  bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên vào quý II/2023, nhiều khả năng, thị trường xăng dầu sẽ phát sinh không ít vấn đề mới.

Công thức tính giá cơ sở xăng dầu không còn phù hợp
Bộ Công thương nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, tính toán lại một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu, do công thức tính giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư