Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dân bị ‘tra tấn’ từ bãi rác Phước Hiệp
Quỳnh Giang - Gia Huy - 10/08/2015 14:04
 
Hàng trăm hộ dân tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), nhiều năm nay đã phải sống trong ô nhiễm vì hai nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) không xử lý hết rác. Số rác này không chỉ bốc mùi hôi thối, mà nguồn nước quanh khu vực cũng chuyển màu đen ngòm.
Bãi rác Phước Hiệp ô nhiễm trầm trọng khiến người dân luôn phải đeo khẩu trang
Bãi rác Phước Hiệp ô nhiễm trầm trọng khiến người dân luôn phải đeo khẩu trang.

 

Ô nhiễm khiến doanh nghiệp tháo chạy

Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn tìm tới xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), nơi Khu liên hiệp xử lý rác thải Phước Hiệp hoạt động. Dù cách nhà máy 5 km, nhưng mùi hôi khó chịu vẫn phảng phất theo cơn gió thổi từ khu bãi rác vào nhà dân. Làm việc trong nhà, nhưng anh Trần Văn Thanh, người dân tại xã Thái Mỹ phải đeo khẩu trang bịt mũi.

“Cứ sáng và chiều, những cơn gió lại mang mùi hôi từ nhà máy rác về nồng nặc, còn nước sinh hoạt thì giờ dân ở khu vực này phải mua nước khoáng đóng bình để dùng, chứ nước giếng đã chuyển màu đen thui và hôi hám. Kiến nghị lên huyện từ lâu mà không thấy cơ quan nào xử lý, dân ở đây không biết phải chịu đựng bãi rác ô nhiễm này đến bao giờ”, anh Thanh cho biết.

"Nhìn thấy dân mình sống trong cảnh bị tra tấn bởi mùi hôi thối từ các bãi rác ở huyện Củ Chi mà xót quá", ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), nói và cho biết, đã 2 lần huyện Đức Hòa gửi đơn lên UBND tỉnh Long An kiến nghị TP.HCM sớm có lộ trình đóng cửa bãi rác. Tuy nhiên, "đến nay, chúng tôi chưa nhận được một phản hồi nào từ các cơ quan chức năng của TP.HCM", ông Út nói.

Là người thường xuyên đi khảo sát và tìm hiểu đời sống của người dân 3 xã Tân Mỹ, Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng, nơi giáp ranh với Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp, ông Út thấu hiểu nỗi thống khổ mà người dân ở đây chịu đựng. Dân kiến nghị lên xã, xã kiến nghị lên huyện, huyện kiến nghị lên tỉnh, nhưng mọi chuyện im ắng đáng sợ.

Hiện Khu xử lý rác Phước Hiệp có 3 nhà máy, trong đó nhà máy xử lý rác của Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đã đóng cửa một phần bãi chôn lấp số 3, còn hai nhà máy rác của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động. Ô nhiễm của khu vực là xuất phát từ hai nhà máy này.

Ông Nguyễn Đức Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Hòa cho biết, nhiều dự án trên địa bàn huyện như sân golf, khu dân cư của Hồng Phát vẫn án binh bất động, hay khu dân cư Resco đã có hạ tầng, đất đã giao sổ đỏ cho dân nhưng chẳng có ai đến xây nhà để ở. Lý do vì mùi hôi từ bãi rác Phước Hiệp ở Củ Chi “tấn công” khiến không ai muốn đến ở đây. "Nếu tình hình này kéo dài, TP.HCM không có lộ trình di dời bãi rác hay có cách ngăn chặn thì việc đầu tư vào Đức Hòa sẽ khó lắm”, ông Khánh nói.

"Rất nhiều người dân ở thành phố muốn tìm nơi thanh bình, không khí trong lành để nghỉ dưỡng, nên chọn về Đức Hòa mua nhà vườn. Nhưng ô nhiễm không khí do mùi hôi từ bãi rác nên họ không về ở hoặc không chọn nơi đây để đầu tư", ông Nguyễn Văn Út nêu thực tế và cho biết thêm: "Phía huyện đã làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn ở Bình Dương và TP.HCM. Họ về khảo sát các khu dân cư, khu công nghiệp nơi đây để đầu tư, nhưng sau đó lại ra đi vì mùi hôi từ bãi rác". 

Sau khi nhận phản ánh từ người dân, ngày 24/7 vừa qua, UBND huyện Củ Chi đã ra văn bản số 5407/UBND-TNMT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lưu chứa phế thải lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa.

Người gây ô nhiễm nói gì?

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng nêu rõ, UBND huyện Củ Chi nhận được phản ánh của nhân dân xã Thái Mỹ về việc Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa trong hoạt động xử lý rác làm phát sinh mùi hôi thối và nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.

Sau khi huyện xuống kiểm tra thực thế thấy rằng, Công ty Vietstar trong quá trình hoạt động sản xuất phân bón và tái chế rác vô cơ có phát sinh các loại chất thải không thể tái chế, tái sử dụng được từ rác sinh hoạt với khối lượng khoảng 228 tấn/ngày (khối lượng hiện đang lưu chứa tại công ty khoảng 11.000 tấn), Công ty Vietstar không chuyển về bãi để chôn lấp theo quy định mà thực hiện lưu chứa lộ thiên trong khuôn viên đất của dự án, không có mái che và không có các biện pháp xử lý, làm phát sinh mùi hôi trên diện rộng, ảnh hưởng đến dân cư của xã Thái Mỹ.

Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, trong quá trình hoạt động sản xuất, làm phát sinh các loại chất thải không thể tái chế, tái sử dụng, khối lượng khoảng 100.000 tấn. Công ty Tâm Sinh Nghĩa không đốt theo quy định mà thực hiện lưu chứa lộ thiên trong khuôn viên đất của dự án, không có mái che và không có các biện pháp xử lý làm phát sinh mùi hôi trên diện rộng, ảnh hưởng đến dân cư của xã Thái Mỹ.

Cũng theo kết luận của UBND huyện Củ Chi, thì cả hai công ty trên cũng không có biện pháp thu gom nước rửa trôi chất thải bám trên số rác thải khi trời mưa, nước mưa cuốn trôi nước rỉ rác làm vỡ bờ bao của bãi chôn lấp, chảy tràn ra kênh thủy lợi TC-17 và đất trồng tràm của các hộ dân, nước có màu đen và phát sinh mùi hôi thối.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Văn Phúc, Giám đốc điều hành Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết, ông đã gặp những người dân có đơn phản ánh công ty của ông gây ô nhiễm. Đó chủ yếu là những người làm nghề vá vỏ xe cho xe tải chở rác, đi tù về  và họ chỉ biết lợi nhuận trước mắt.

“Chúng tôi đầu tư nhà máy tại đây và tạo điều kiện cho khoảng 500 công nhân có công việc làm, dù họ không có chuyên môn, nhưng một tháng Công ty trả cho họ thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Nhưng họ vào làm việc mà ăn cắp khủng khiếp, thậm chí còn tháo gỡ máy móc trong nhà xưởng và bị bắt quả tang, xử lý nhiều lần. Sau đó, những công nhân này kéo cả băng đảng tới quậy phá nhà máy”, ông Phúc nói.

Cũng theo vị giám đốc này thì việc bốc mùi và nước thải tại nhà máy chảy ra ngoài đồng ruộng và kênh quanh nhà máy là do “cơn bão hồi tháng 5 vừa qua” làm tốc mái che nhà ủ. Hiện nay, Công ty đang cố gắng khắc phục hậu quả.

Bao giờ mới hết ô nhiễm?

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 7 vừa qua, đại biểu Võ Văn Tân đặt câu hỏi, bãi rác Phước Hiệp ở Củ Chi có 2 nhà máy xử lý rác là Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa hoạt động, hai đơn vị này chỉ xử lý được một phần lượng rác thải, còn lại hơn 80.000 tấn không xử lý gây ô nhiễm môi trường. Bao giờ tình trạng ô nhiễm mới hết?.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận, hiện lượng rác ở khu chôn lấp số 3 thuộc bãi rác Phước Hiệp với khối lượng 2.000 tấn/ngày đã chuyển về Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước. "Hiện 45-47% lượng rác không thể sử dụng làm phân compost phải đưa đi chôn. Tuy nhiên, do có công ty Nhật đang tiến hành xây dựng lò đốt, nên công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa xin ủ lại để đốt, sự thật trong việc ủ rác lại này đã gây ô nhiễm", ông Kiệt nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, xử lý rác, nhất là với các đô thị lớn như TP.HCM không thể dàn trải vì sẽ lãng phí chi phí đầu tư, thay vì thế, giải pháp phù hợp là tập trung đầu tư công nghệ và địa điểm để xử lý rốt ráo việc Thành phố bị “bao vây” vì ô nhiễâm về sau.

Cần Thơ: Người dân chặn xe đổ rác vào bãi rác Phước Thới - Ô Môn
Từ ngày 4/5 đến nay, nhiều người dân khu vực bãi rác tại phường Phước Thới, quận Ô Môn đã tổ chức chặn xe chở rác vào bãi tập kết xử lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư