Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Dân than khổ vì doanh nghiệp siết chặt mua bán vàng
Trần Mạnh - 14/10/2024 11:00
 
Hiện nay, người dân muốn mua vàng miếng, vàng nhẫn SJC hầu như chỉ còn cách duy nhất là qua “chợ đen”. Trong khi đó, việc bán vàng cũng không hề dễ dàng, nếu không có hóa đơn.
Thanh khoản thị trường vàng giảm mạnh do nhà vàng siết chặt việc mua bán.  Ảnh: Đức Thanh

Nhà vàng khắt khe mua bán, chợ mạng nhộn nhịp

Khảo sát một loạt cửa hàng vàng tại Hà Nội cuối tuần qua cho thấy, hầu như tất cả cửa hàng vàng đều không còn vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Nhân viên cửa hàng vàng DOJI trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, không chỉ vàng SJC, mà vàng nhẫn của DOJI cũng không còn hàng để bán. Tương tự, nhân viên Bảo Tín Minh Châu cho hay, Công ty không nhận đặt trước vì chưa biết khi nào mới có hàng trở lại.

Trong bối cảnh người dân mua vàng rất khó khăn, BIDV vừa công bố triển khai thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân, việc săn được “slot” mua vàng tại các ngân hàng là rất khó.

“Tôi đã nhiều lần đăng ký vào app của ngân hàng để đăng ký mua vàng, nhưng đều nhận được thông báo hết vàng chỉ sau vài phút mở cửa. Có lần hoàn thành gần bước cuối cùng, thì nhận được thông báo lỗi. Do cần gấp để trả nợ, nên tôi mua vàng trên mạng, chấp nhận giá cao hơn giá niêm yết tại các ngân hàng gần 1 triệu đồng/lượng”, chị Hoàng Minh Phượng (Hà Nội) cho biết.

Đóng cửa cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC bán ra tại các ngân hàng Big 4 là 84,5 triệu đồng/lượng, song theo chị Phượng, chị đã phải mua ở “chợ đen” với giá 85,3 triệu đồng/lượng.

Hiện các group mua bán vàng miếng, vàng nhẫn trên mạng hoạt động nhộn nhịp. Theo đó, giá vàng nhẫn, vàng miếng thường được rao bán cao hơn giá bán của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, hầu hết người mua đều đòi hỏi phải có hóa đơn. Ngoài ra, nhiều người cũng rao bán các slot đặt mua vàng hàng ngày.

So với mua vàng, việc bán vàng dễ thở hơn với vàng các thương hiệu lớn. Các cửa hàng như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu… đều chấp nhận mua lại vàng miếng, vàng nhẫn SJC không có hóa đơn, nhưng phải sau khi kiểm định chất lượng vàng.

Tuy vậy, riêng với vàng không có thương hiệu và vàng nữ trang, việc bán không dễ. Bà Nguyễn Thị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới đây, bà mang một chiếc lắc vàng tuổi đời 30 năm đi bán tại một cửa hàng vàng trên đường Trần Nhân Tông, song bị từ chối vì không có hóa đơn.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho biết, lâu nay, các tiệm kinh doanh vàng mua vàng trôi nổi để làm nguyên liệu, nhưng với quy định hiện nay, vàng không có nguồn gốc rõ ràng dễ bị quy vào “vàng lậu”, nên các cửa hàng vàng thường đòi hỏi người bán phải có hóa đơn mới dám mua.

Thị trường vàng vẫn chưa ổn

Thanh khoản thị trường vàng giảm đột ngột suốt 4 tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng miếng qua nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC. Đồng thời, các cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thị trường này.

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Cụ thể, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các doanh nghiệp và ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi…, gây mất ổn định thị trường vàng.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, TPBank và Eximbank. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp bị phạt vì chưa tuân thủ đúng quy định về phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý…

Trước đó, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường các địa phương cũng tiến hành thanh tra hàng trăm cơ sở kinh doanh vàng và tiến hành xử phạt, thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc.

Hoạt động thanh kiểm tra mạnh tay khiến từ đầu năm đến nay, hàng loạt cửa hàng vàng đóng cửa, thậm chí ngay cả SJC cũng thu hẹp hoạt động tại một số địa phương, gây khó khăn cho hoạt động mua bán vàng của người dân.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp quản lý thị trường vàng mà NHNN và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, sự đóng băng thị trường vàng dẫn tới tình trạng vàng hai giá như hiện nay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và gây rủi ro cho thị trường. Một khi giá vàng tăng nóng, giá vàng chợ đen quá cao (thực tế đã có thời điểm giá vàng chợ đen cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng được niêm yết tại SJC) có thể dẫn tới hệ lụy khó lường. Vì vậy, vẫn cần các giải pháp dài hơi cho thị trường vàng.

Giá vàng nhẫn điều chỉnh, tỷ giá thử thách quanh ngưỡng 25.000 VND/USD
Vàng nhẫn có thêm một tuần giảm giá. Tình trạng khó mua, khó bán vẫn tiếp tục kéo dài không chỉ diễn ra với vàng miếng SJC, mà cả vàng nhẫn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư