Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 07 năm 2024,
Đang trình dự thảo nâng "room ngoại": Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng tối đa bao nhiêu?
Thanh Thủy - 19/07/2024 15:56
 
Thu hút dòng vốn ngoại được cho là một trong các giải pháp được đề cập tại đề án “cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN. 

Chia sẻ tại chương trình “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” sáng ngày 19/7, bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết Dự thảo sửa đổi bổ sung đang trình Chính phủ với nội dung nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng tối đa có thể tăng lên 49%, theo quyết định của Thủ tướng. 

Theo quy định hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài với tư cách nhà đầu tư chiến lược có thể sở hữu 20%. Tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ và có thể cao hơn quyết định của Thủ tướng.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, đại diện NHNN cho biết thu hút dòng vốn ngoại được xem là giải pháp quan trọng, đã đề cập tại Quyết định 689/2022 phê duyệt đề án “cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và kế hoạch hành động của NHNN.

Bên cạnh đó, Luật tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi, quy định cổ đông sở hữu 1% vốn phải công bố thông tin, gim tỷ lệ sở hữu cổ phần cổ đông để hạn chế sở hữu chéo,... để nâng cao đạt sự an toàn của hệ thống. Ngành ngân hàng tích cực triển khai Basel II nâng cao và tiến tới Basel III. Một mặt thúc đẩy công bố thông tin, giúp đối tác và người gửi tiền có thể giám sát hệ thống ngân hàng thương mại.

Từ các giải pháp trên, bà Phương cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hợp tác đa dạng, để tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng tiến tới chuẩn mực cao và bền vững hơn.

Liên quan đến dòng vốn ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán, nhu cầu USD tăng thời gian qua cũng có một phần từ dòng vốn FII chuyển tiền ra. Về hoạt động mua - bán ngoại tệ can thiệp vào thị trường, bà Phương cho biết các năm qua NHNN đều thực hiện can thiệp mua và bán do thị trường ngoại tệ luôn vận động, dòng vốn thường xuyên ra vào, dự trữ ngoại hối làm nhiệm vụ tương tự như hồ điều hòa. 

Từ năm 2015 đến nay, dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần. NHNN có năm mua ròng và bán ròng ngoại tệ. Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, năm 2024 là năm nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối. Nguyên nhân bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao và dài hơn nhiều so với dự kiến. Dù gần đây kỳ vọng nhiều vào việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9 nhưng cũng chưa thể hoàn toàn chắc chắn. Cùng đó, lãi suất chênh lệch duy trì ở mức âm cao ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ; áp lực mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động sản xuất phục hồi… 

“Từ tháng 4 đến nay, một phần USD Ngân hàng thương mại bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp. Tuy vậy, với các biện pháp điều hành, tỷ giá không biến động đáng kể. Đồng nội tệ Việt Nam không mất giá quá nhiều so với các nước khác trong khu vực”, bà Phương cũng nhấn mạnh.

NHNN một mặt hỗ trợ tỷ giá, một mặt hỗ trợ thanh khoản thị trường. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cũng cho biết thời gian tới cơ quan này sẽ áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo thị trường thông suốt, góp phần ổn định vĩ mô. Với diễn biến gần đây trên thị trường quốc tế, kỳ vọng áp lực trong thời gian tới giảm bớt và khó khăn sắp kết thúc. 

Tăng tốc gỡ “nút thắt” cho khối ngoại
Dòng chảy vốn ưu tiên thị trường phát triển khiến chứng khoán Việt Nam cùng nhiều nước trong khu vực đứng trước làn sóng rút ròng của vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư