Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Tăng tốc gỡ “nút thắt” cho khối ngoại
Thanh Thủy - 14/07/2024 15:33
 
Dòng chảy vốn ưu tiên thị trường phát triển khiến chứng khoán Việt Nam cùng nhiều nước trong khu vực đứng trước làn sóng rút ròng của vốn ngoại. Các nỗ lực nâng hạng cùng nền tảng vĩ mô ổn định có thể là yếu tố đưa Việt Nam trở thành điểm đến khi dòng vốn đảo chiều.

Thay đổi quan trọng ở dự thảo mới

Sau gần 4 tháng kể từ thời điểm công bố, đến nay, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin đã hoàn tất lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Theo thông báo của Bộ Tài chính, các ý kiến đóng góp được tập hợp, tiếp thu, từ đó, xây dựng bản dự thảo cuối với nhiều thay đổi mang tính chất cốt lõi, nhất là ở nội dung liên quan giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Với quy định mới, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản. Tỷ lệ ký quỹ cụ thể do công ty chứng khoán (CTCK) quyết định dựa trên đánh giá của chính công ty về mức độ tín nhiệm đối với khách hàng.

Tuy nhiên, lưu đồ thanh toán xây dựng dựa trên bản dự thảo mới có sự thay đổi lớn so với bản dự thảo đầu. Thời điểm nhà đầu tư cần có đủ tiền trên tài khoản trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) đã lùi từ khoảng 14h30 chiều ngày T+1 (sau giao dịch 1 ngày) sang đầu giờ sáng ngày T+2. Như vậy, tính từ lúc tổ chức nước ngoài phải có tiền trong tài khoản đến thời điểm chứng khoán về, thời gian chỉ còn vài tiếng đồng hồ.

Chia sẻ tại một hội thảo đầu tháng 7 này, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc rút ngắn thời gian trên nhằm đáp ứng sát hơn tiêu chí Chu kỳ thanh toán (DvP) theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây cũng là tiêu chí còn hạn chế mà FTSE Russell chỉ ra với thị trường Việt Nam, cùng với tiêu chí “Thanh toán - các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”.

Việc kiểm tra nhà đầu tư có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam, dẫn đến thị trường không có giao dịch thất bại. Do đó, tiêu chí “Thanh toán - các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá. Giải pháp cho hạn chế này là cho phép các CTCK thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Về mặt cơ sở pháp lý, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định đã hoàn thành 95%, nên bản dự thảo cuối sau khi công bố lấy ý kiến sẽ được trình ban hành và sớm có hiệu lực.

Còn ở khâu triển khai, CTCK phải đối diện áp lực về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán và việc phải nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ Chứng khoán SSI, việc đa số CTCK có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025 cũng là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này.

Bài toán thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Chủ trương, định hướng và sự quyết tâm giải bài toán nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam là điều thấy rõ và được tổ chức quốc tế ghi nhận trong thời gian qua. Nhận định của nhiều tổ chức có nhiều năm dẫn vốn ngoại vào thị trường Việt Nam cũng cho rằng, nâng hạng có thể là một trong những sự kiện quan trọng khiến các quỹ ngoại tích cực giải ngân trước nếu triển vọng và tiến độ trong lộ trình nâng hạng rõ ràng.

Tuy vậy, một thực tế không phủ nhận là, khối ngoại vẫn đang miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị xấp xỉ 2,3 tỷ USD, ngày càng tiến gần với tổng giá trị bán ròng kỷ lục ghi nhận trong cả năm 2023.

Không riêng Việt Nam, giá trị bán ròng tại Thái Lan đã sớm vượt con số 3 tỷ USD. Chỉ số SET của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan giảm xuống dưới mức 1.300 điểm, thấp nhất trong 4 năm qua.

Tiền đổ về Mỹ nhờ lãi suất USD neo cao suốt thời gian dài, trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá. Do đó, theo các chuyên gia, việc một số quỹ thay đổi chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn là dễ hiểu.

Ngoài chịu tác động từ dòng chảy vốn toàn cầu, thị trường chứng khoán Thái Lan còn đối diện với tình hình chính trị bất ổn. Tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm nay được dự báo dưới 3% - mức mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) mới đây cho là không đủ để giúp nền kinh tế mở rộng bền vững trong dài hạn.

Để vực dậy thị trường, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Thái Lan và các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán công bố các biện pháp khá mạnh tay, tập trung vào việc điều chỉnh một số điều kiện đối với Quỹ ESG Thái Lan, vừa áp dụng mức thuế ưu đãi với nhà đầu tư, vừa khuyến khích doanh nghiệp niêm yết quan tâm tuân thủ ESG. Chính sách áp thêm thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ đầu năm cũng khuyến khích dòng vốn ở lại trong nước.

Thu hút dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường chứng khoán là bài toán không chỉ của riêng chứng khoán Việt Nam. Tuy vậy, việc các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định bất chấp những khó khăn và biến động của thế giới cùng hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp niêm yết sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu để các nhà đầu tư xuống tiền đầu tư.

CNBC: Chứng khoán Việt Nam nằm trong Top 3 thị trường tăng trưởng mạnh nhất châu Á 2024
Theo chia sẻ của các chuyên gia với CNBC, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam sẽ là những thị trường tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư