Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 10 năm 2024,
Đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tham nhũng
Nguyễn Lê - 19/10/2024 09:05
 
Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024. gửi tới Quốc hội.
.
Ảnh minh hoạ.

Trong các năm 2023 và 2024 đã xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các lĩnh vực đăng kiểm; y tế; giáo dục; đấu thầu; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên cơ sở kết quả điều tra, xử lý các vụ án nêu trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Đó là một trong số các kiến nghị được Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, vừa được gửi Quốc hội.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

“Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Cho rằng, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử... theo yêu cầu tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Trường hợp cần thiết phải sửa đổi hoặc ban hành mới dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thì khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, lập đề nghị để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất.

Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; tập trung chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan của Quốc hội nêu kến nghị tiếp theo.

Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 1: “Nã tiền” xuyên thủng hàng rào công
Hàng loạt đại án vừa bị triệt phá cho thấy, đặc điểm chung đầu tiên của tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư