Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL
Phú Khởi - 29/06/2015 08:52
 
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không những là vùng nông sản trù phú, mà còn giàu tiềm năng trong phát triển du lịch, là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch của vùng đang phát triển dưới tiềm năng.

Duyên ngầm

ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, cả vùng còn có hơn 700 km bờ biển và hàng trăm hòn đảo với nhiều bãi biển đẹp như: Hòn Chông, Mũi Nai, Phú Quốc, Ba Động… có thể khai thác phát triển loại hình du lịch biển đảo.

 Từ lâu, loại hình du lịch bằng tàu, ghe rất hấp dẫn du khách
Từ lâu, loại hình du lịch bằng tàu, ghe rất hấp dẫn du khách

 

Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, con sông lớn nhất Đông Nam Á, ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 40.000 km2, bằng 5,6% diện tích của lưu vực, với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, được mệnh danh là “thế giới sông nước” (Water World). Từ lâu loại hình du lịch bằng tàu, ghe len lỏi vào sâu trong các kênh rạch, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước cũng rất hấp dẫn du khách khi đến với ĐBSCL.

Với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vùng ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hoà, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt và nhiều sản vật thiên nhiên ban tặng. Nhiều chuyên gia du lịch đã ví ĐBSCL như cô gái giản dị, mộc mạc, nhưng đậm nét “duyên ngầm” như chính những cô thôn nữ sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước này.

Đã có bước chuyển biến

Trong thời gian gần đây, du lịch ĐBSCL đón nhận nhiều tin vui: Khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao Vinpearl Phú Quốc (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ đi vào hoạt động, đây là 2 cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp nhất tại khu vực này tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, Vietnam Airlines mở đường bay Phú Quốc - Singapore và Phú Quốc - Siêm Riệp (Campuchia). Rồi VietJet mở đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng, Vasco phối hợp với Vietravel mở đường bay Cần Thơ - Đà Lạt.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương đường bay này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel nhận định: “ĐBSCL có rất nhiều vùng đất còn rất hoang sơ, nơi đây có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, đây là loại hình du lịch đang được cá nước phát triển trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của vùng này là kết nối giao thông còn rất hạn chế. Nhằm liên kết với các địa phương trong vùng ĐBSCL đẩy mạnh thu hút khách du lịch, sắp tới, Vietravel sẽ phối hợp với các hãng hàng không, nghiên cứu mở thêm đường bay.

Nhiều địa phương khác như An Giang thu hút du lịch bằng việc đầu tư dự án cáp treo, xây dựng tượng Phật Di Lạc lớn nhất trên núi Cấm, xây dựng tượng Phật Thích Ca lớn nhất trên  núi Sam. Tỉnh Bạc Liêu xây dựng khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Nhà hát Ba Nón Lá, khu du lịch Nhà Mát… Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã thu hút được các dự án phát triển du lịch.

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã đón hơn 22,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,3% so năm 2013, doanh thu du lịch đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng gần 24%. Trong đó, có gần 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 10 triệu lượt du khách đến với vùng đất này, dự báo số lượng du khách đến với ĐBSCL năm 2015 có thể tăng đến hơn 10% so với năm 2014 vì có nhiều sản phẩm du lịch, nhiều tuyến hàng không được mở mới và việc đi lại thuận tiện hơn.

JICA sẽ xuất bản sách giới thiệu các tỉnh ĐBSCL
Ông Kikuchi Tadashi, chuyên gia JICA phụ trách Văn phòng Japan Desk khu vực phía Nam đã cho biết như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau mới...
Bình luận bài viết này
  • Thái Huy Khánh 19:59 | 21-07-2015
    Cảm ơn bài viết của tác giả Phú Khởi về chủ đề " đánh thức tiềm năng du lịch xanh ĐBSCL" ,và thật là thiếu sót nếu như ta quên nhắc đến Trà Vinh là tỉnh duy nhất có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được mệnh danh là thành phố ẩn trong rừng cùng với nét đặc trưng về kiến trúc của 141 chùa chiền và văn hóa riêng biệt người Khmer Nam bộ ,nơi đây rất yên bình và trong lành ,cảnh đẹp cổ kính như tranh ,điểm nhấn là Trà Vinh có cây đại thụ ngàn tuổi được xem là " cây cổ thụ đẹp nhất Việt Nam " rất ấn tượng , rất xứng đáng xứng tầm để được phát triển du lịch xanh , mình lên tiếng kêu gọi mãi vẫn chưa được quan tâm .Trà Vinh chỉ mãi là tiềm năng....
Xem thêm trên Báo Đầu Tư