Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Đặt các kế hoạch lớn lên bàn nghị sự
Nguyễn Lê - 26/07/2021 08:06
 
Liên tục 3 ngày qua, các kế hoạch lớn về kinh tế-xã hội, tài chính, nợ công, đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần rõ ràng hơn

Hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn

Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là kế hoạch lớn đầu tiên được báo cáo tại nghị trường, sau đó được các vị đại biểu thảo luận tổ cùng với giải pháp phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2021, vào chiều 22/7.

Khẳng định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song Chính phủ không đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao 6%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm được trình Quốc hội là khoảng 6,5-7%.

Với năm 2021, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, GDP tăng 6% hay 6,5% hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả phòng chống dịch Covid-19. Nếu không ổn định được sản xuất, kinh doanh, thì cả hai mức đó đều là thách thức. Nhưng khả năng vẫn đạt được chỉ tiêu đó, nên Chính phủ vẫn xin giữ và phấn đấu đạt mức cao nhất.

Không đi sâu vào con số cụ thể, song nhìn kế hoạch năm nay hay cả giai đoạn 5 năm, nhiều đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch thực chất hơn, thì mới có thể tạo đà khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần rõ ràng hơn. Chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra dịch Covid-19 khi lưu thông hàng hóa thì kết quả phải được công nhận giữa các tỉnh, thành phố. Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh phải được công khai, minh bạch để người dân và doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh và bảo vệ cho người lao động. Ngoài ra, vị đại biểu Thái Bình đề nghị Chính phủ nên miễn một số loại thuế, tạm giãn các khoản thu cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Trước Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Theo Ủy ban Kinh tế, thời gian tới, cần xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp. Giảm lãi suất cho vay một cách thực chất, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các giải pháp khác cũng đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự, nhưng hóc búa nhất vẫn là “bài toán” Covid-19 không thể có đáp án chính xác. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cần bày tỏ quan điểm về thực hiện các kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, các công điện của Thường trực Ban Bí thư và đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Rất nhanh sau đó, tại cuộc họp sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội, sau khi làm việc với đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, đã thống nhất báo cáo Quốc hội bổ sung chương trình kỳ họp thứ nhất về nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng Tờ trình, cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra để Quốc hội xem xét, thảo luận và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cần tập trung xử lý những vướng mắc về pháp lý trong phòng, chống Covid-19 hiện nay, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn. Có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có những việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Cân nhắc kỹ lưỡng 2,87 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công

Sáng 23/7, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thảo luận ở tổ, sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra tại hội trường. Tại thời điểm đó, những con số cụ thể chưa được công khai với báo chí, tuy nhiên, ở Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 khoảng 7,8 triệu tỷ đồng.

Sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch triệu tỷ này.

Trước đó, cuối năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã xem xét cho ý kiến bước đầu về kế hoạch trên. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là 2,87 triệu tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư), tăng 120.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tháng 10/2020 (2,75 triệu tỷ đồng). Trong đó, 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (1,2 triệu tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Thẩm tra kế hoạch này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về tổng thể, so với giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến thu ngân sách nhà nước tăng gấp 1,2 lần; chi thường xuyên dự kiến tăng 1,34 lần; vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần; tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28-29% tổng chi ngân sách nhà nước, cao hơn số kế hoạch giai đoạn 2016-2020  là tích cực.

Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích về nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng, việc tăng tổng mức đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.

Vì thế, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự kiến của Chính phủ, nhưng đề nghị Chính phủ lưu ý tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Lưu ý nữa từ cơ quan thẩm tra là bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong giai đoạn tới, cần cân nhắc kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư 2,87 triệu tỷ đồng, vì thu ngân sách nhà nước dự báo còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19. Áp lực thanh toán các khoản nợ đến hạn giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, trong khi số thu từ cổ phần hóa, dù còn dư địa, song không mang tính chắc chắn. Do vậy, các ý kiến này đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2,75 triệu tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại khóa XIV.

Theo nghị trình, tuần này, ngày 27/7, Quốc hội lần lượt thảo luận tại hội trường về các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Sáng 29/7, các kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 sẽ được thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Nghị quyết về các kế hoạch này sẽ được bấm nút vào sáng 31/7, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được thông qua sớm hơn, vào sáng 30/7.

Hôm nay, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án tuyên thệ

Sau khi hoàn thành kiện toàn nhân sự của Quốc hội khóa XV, tuần này, Quốc hội tiếp tục bầu và phê chuẩn các chức danh còn lại của bộ máy nhà nước. Ngay trong hôm nay (26/7), Quốc hội sẽ lần lượt bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và chứng kiến lễ tuyên thệ của ba chức danh quan trọng này. Ngày 28/7, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ này, Chính phủ sẽ giảm từ 5 xuống còn 4 phó thủ tướng.
Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025: Nền tảng cho sự bứt phá
Một nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là “quyết” Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư