Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đặt phòng online: Khuyến mại 70% khách sạn vẫn có lãi
Duy Anh (Vietnamnet) - 14/06/2015 13:38
 
Thông qua web đặt phòng trực tuyến, các khách sạn đã tự tạo ra nhiều mức giá hấp dẫn khiến người mua có thể ngay lập tức ấn chuột. Đằng sau những mức giá đó là đủ mọi chiêu trò của khách sạn lẫn các trang web đặt phòng.

Chiêu nâng giá rồi khuyến mại

Theo một nhân viên khách sạn tại Hà Nội, thực tế, mức giá trên các trang web khác nhau đều do khách sạn quyết định. Các trang web chỉ có nhiệm vụ cập nhật thông tin khuyến mại theo yêu cầu từng giai đoạn cụ thể của khách sạn. Để đảm bảo doanh thu, khách sạn sẽ đưa ra một mức giá chung cho phía đối tác. Tùy chương trình khuyến mại, thời điểm cụ thể, họ sẽ điều chỉnh mức giá phòng để sau khi khuyến mại 50-70% vẫn có lãi. 

Khách sạn thường đặt giá tham chiếu cao hơn rất nhiều so với giá thực tế nhằm tạo các chương trinh khuyến mãi lớn (giảm giá tới 45-50%) vì tỷ lệ giảm giá cũng là một yếu tố để nâng xếp hạng của khách sạn trên trang bán phòng trực tuyến.

Khách sạn thường bán 1 hoặc 2 phòng rẻ nhất của mình những phòng nhỏ, không có ban công, cửa sổ với giá rất tốt trên các trang này để hấp dẫn người xem vào xem khách sạn của mình như một kiểu câu khách. Trên trang chủ đặt phòng luôn chỉ hiển thị giá phòng thấp nhất của từng khách sạn, khách click vào mới ra được đầy đủ giá của các loại phòng, vì số lượt xem cũng là 1 yếu tố để tăng xếp hạng.

Giá được nâng rất cao sau đó khuyến mại.
Giá được nâng rất cao sau đó khuyến mại.


Như các khách sạn trên phố cổ, họ rất đẩy mạnh bán phòng online, tỷ trọng có khi chiếm 20%, 30% số lượng phòng đặt mỗi tháng. Doanh thu từ bán phòng online sau khi trừ chi phí hoa hồng,... cũng rất cao, thường là cao hơn giá phòng bán cho các công ty lữ hành. Đây cũng là kênh để marketing, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của khách sạn.

Lý giải hiện tượng các trang web có mức giá khác nhau, nhân viên khách sạn này cho hay có thể một số trang web có doanh thu thấp, khách sạn sẽ quên không cập nhật chương trình khuyến mại mới, cập nhật giá mới, thậm chí bỏ qua luôn vì không có người phụ trách.

Theo quy định mà bên bán phòng online đặt ra thì giá khách sạn niêm yết trên các trang phải tương đồng, mỗi trang sẽ có một đội quản lý chuyên ngồi so sánh giá của khách sạn trên các trang còn lại. Nếu thấy giá các trang khác thấp hơn, họ sẽ gọi điện yêu cầu khách sạn điều chỉnh, còn cao hơn thì thôi. Vì thế, hiện tượng giá trên các trang khác nhau có thể là do bên quản lý trang đặt phòng chưa phát hiện ra việc giá bị chênh lệch, hoặc khách sạn cố tình không điều chỉnh.

Chia nhau khoản hoa hồng

Hiện có rất nhiều website đặt phòng khách sạn trực tuyến, mỗi website lại hướng đến những nhóm khách riêng, thị trường riêng: Hostelworld.com cung cấp các hình thức lưu trú giả rẻ dành cho du khách; Booking.com cung cấp thông tin khách sạn từ rẻ nhất đến sang trọng nhất; Agoda.com thì lại mạnh trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương,... Trong nước cũng có một số trang đặt phòng như Chudu, ivuvi, mytour, Gotadi...

 Mức hoa hồng ở nhiều trang web cũng khác nhau.
Mức hoa hồng ở nhiều trang web cũng khác nhau.

Theo một nhân viên khách sạn tại Hà Nội, thông thường, mỗi trang web đặt phòng trực tuyến sẽ đòi hỏi hoa hồng tối thiểu khoảng 15% và cao nhất là 25%. Tuy nhiên, khách sạn có thể tùy ý đặt tăng hay giảm tỷ lệ hoa hồng, bởi chỉ có tỷ lệ tối thiểu, không có tỷ lệ tối đa. Một số trang có mức hoa hồng cố định, tùy theo từng web. Khách sạn nào có mức hoa hồng cao sẽ được hệ thống trang web ưu tiên hơn trong việc xếp hạng cũng như thường xuyên xuất hiện ở các trang quảng cáo, tìm kiếm. 

Bên cạnh đó, khách sạn phải mất thêm khoảng 4% phí chuyển khoản qua lại giữa các trang booking và ngân hàng. Như vậy, qua kênh đặt phòng trực tuyến, khách sạn mất tổng cộng khoảng 24% hoa hồng cho các công ty này. 

Khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp với các hãng đặt phòng trực tuyến, khách sạn chỉ nhận được tiền sau khi khách đã kết thúc kỳ nghỉ. Với trang như Agoda thì yêu cầu khách thanh toán trực tiếp ngay khi đặt phòng, khi khách tới nhận phòng, bên đó sẽ chuyển tiền cho khách sạn sau khi đã trừ hoa hồng. Còn trang booking.com thì khách không phải thanh toán trước, chỉ phải thanh toán cho khách sạn sau khi trả phòng, tiền hoa hồng sẽ được khách sạn chuyển cho công ty này vào cuối tháng.

Mặc dù vậy, phía đơn vị đặt phòng trực tuyến không có một cam kết nào về doanh số phòng hàng năm như các hãng lữ hành. Không phải trang web nào cũng đạt được một tỷ lệ đặt phòng nhất định, thậm chí có trang cả năm không đặt được một phòng. Điều này phụ thuộc vào danh tiếng của mỗi trang, các trang nổi tiếng như agoda hay booking.com thì có nhiều khách xem nên xác xuất khách đặt phòng trên trang đấy cao.

Đảm bảo mức doanh thu là yếu tố quan trọng của các khách sạn, tuy nhiên, nếu kinh doanh trục lợi sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Như mới đây, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, không ít khách sạn tại Sapa đã bị phạt liên quan tới việc nâng giá phòng không đúng thực tế trên trang web đặt phòng trực tuyến.

Muôn chiêu lừa gạt mua hàng qua mạng
Bên cạnh những tiện lợi, hình thức mua hàng này vẫn còn đầy rẫy rủi ro dành cho khách hàng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư