Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Dầu ăn Neptune, Simply át vía Tường An
Hà Quang - 04/08/2013 19:56
 
Người tiêu dùng lớn tuổi biết đến Tường An của Vocarimex nhưng giới trẻ lại thích dầu ăn Neptune, Simply và Meizan của Dầu thực vật Cái Lân.
Gần 50% số người được hỏi cho biết sẽ chọn 2 nhãn hiệu dầu ăn Simply và Neptune nếu từ bỏ nhãn hiệu mà họ đang dùng

Báo cáo nghiên cứu về thị trường dầu ăn Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường W&S Việt Nam vừa cho biết, kết quả khảo sát 200 người có nấu ăn và quyết định nhãn hiệu dầu ăn cho thấy, Neptune (của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân) và Tường An (của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An) là 2 nhãn hiệu dầu ăn phổ biến nhất với độ nhận biết trên 90% số người được hỏi.

Tiếp đến là 2 nhãn hiệu dầu ăn là Simply và Meizan (cũng của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân) với độ nhận biết lần lượt là 87,5% và 81,5% số người được hỏi.

Cái Lân và Tường An là 2 công ty đang sở hữu khoảng 60% thị phần dầu thực vật Việt Nam.

Kết quả khảo sát của W&S cũng cho biết, trong khi nhóm khách hàng có độ tuổi từ 20 – 29 ưa chuộng nhãn hiệu Neptune (39%) thì nhóm khách hàng từ 30 tuổi trở lên lại ưa thích sử dụng dầu ăn Tường An (29%).

Nhưng có một vấn đề khá phức tạp trong thói quen tiêu dùng dầu thực vật. Đó là có khoảng 30% số người được hỏi cho biết họ đang sử dụng nhãn hiệu Neptune trong việc chế biến các bữa ăn gia đình. 20% số người được hỏi cho biết họ trung thành với 1 nhãn hiệu dầu ăn duy nhất (trong đó 2 nhãn hiệu được tin dùng nhất là Tường An và Neptune).

Trong khi đó, lại có hơn 60% số người được hỏi có ý định chuyển sang nhãn hiệu dầu ăn khác trong lần mua tới; đặc biệt, có gần 50% số người được hỏi ưu tiêu chọn 2 nhãn hiệu dầu ăn Simply và Neptune.

Những câu trả lời từ bản điều tra của W&S cho thấy một thực tế rằng, người tiêu dùng dầu thực vật là những khách hàng khá “kỹ tính”. Họ tương đối trung thành với nhãn hiệu dầu ăn quen thuộc nhưng cũng sẵn sàng thay đổi nếu họ tìm được bằng chứng cho rằng, loại dầu ăn mới là tốt hơn cho sức khoẻ so với loại dầu ăn cũ và có giá bán hợp lý.

Đây chính là mấu chốt để các nhà nhập khẩu dầu ăn nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam.

Từ đầu năm 2011, hàng loạt nhãn hiệu dầu thực vật mới của Malaysia (Sailing Boat), Indonesia (Omely), Thái Lan (Cooking)… đã hiện diện tại Việt Nam và lấy đi một thị phần đáng kể của các doanh nghiệp nội địa.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, dầu thực vật nhập khẩu có sự gia tăng đột biến về số lượng vào thị trường Việt Nam trong 2 năm 2011 và 2012. Cụ thể, nếu năm 2010 lượng dầu thực vật nhập khẩu là 350.878,66 tấn, thì năm 2012 con số này là 604.375,06 tấn.

Đây cũng chính là lý do Vocarimex đã nộp đơn xin áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu từ cuối năm 2012. Nhưng đến thời điểm này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về biện pháp tự vệ của Vocarimex (bởi các công ty dầu ăn mà Vocarimex có cổ phần vẫn chiếm phần lớn thị phần dầu ăn nội địa).

Từ góc độ thị trường, nhìn vào sự tăng trưởng của các nhãn hàng của Công ty Dầu thực vật Cái Lân (gồm Neptune, Simply và Meizan), người tiêu dùng có thể đặt câu hỏi ngược lại về sự năng động trong sách lược kinh doanh của các công ty dầu ăn nội địa.

Kết quả khảo sát của W&S cho thấy, 3 trong số 4 cái tên (dầu ăn) được người tiêu dùng ưa chuộng nhất thuộc về Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân là Neptune, Simply và Meizan. Nhãn hiệu duy nhất còn lại là dầu Tường An thuộc về Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An.

Cùng có mặt trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (với tiếng nói mạnh mẽ từ Wilmar - một trong những tập đoàn sản xuất dầu cọ cũng như dầu ăn lớn nhất thế giới) hoàn toàn thắng thế khi xét ở độ phủ của các nhãn hàng. Cái Lân có hàng loạt nhãn dầu ăn như: dầu Cái Lân, Neptune, Simply và Meizan thì Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (với cổ phần chi phối từ Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex), chỉ có duy nhất 1 nhãn hiệu dầu Tường An đã tồn tại hàng chục năm qua.

Trong khi Dầu thực vật Cái Lân liên tục tung ra các chiến dịch PR cho các nhãn hàng mới như Simply và Meizan nhưng vẫn không quên đổ tiền làm hình ảnh cho Neptune và dầu Cái Lân thì Tường An trở nên quá cũ kỹ trong mắt người tiêu dùng trẻ tuổi (kết quả khảo sát cho thấy chỉ những người tiêu dùng ở độ tuổi trên 30 mới biết đến loại dầu ăn này).

Trong khi chờ đợi phán quyết của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) về biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu, việc mà Vocarimex cần làm một cách căn cơ là nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm dầu ăn trong mắt người tiêu dùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư