Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dấu ấn nhà đầu tư dân doanh
Hà Minh - 22/01/2019 08:31
 
Đất nước vào xuân mới, ngành Giao thông - Vận tải ghi thêm dấu son với tuyến huyết mạch quốc gia thông suốt; những ngọn đèo qua duyên hải miền Trung bị chinh phục hoàn toàn. Trong niềm vui đó, lấp lánh những giọt mồ hôi của những người thợ Đèo Cả và in đậm dấu nét nội lực của doanh nghiệp dân doanh.

Dấu ấn người Việt trên các dự án lớn

Trước năm 2013, mỗi khi nhắc đến Đèo Cả, người tham gia giao thông đã từng đi qua ngọn đèo này mường tượng ra cung đường ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo nghẹt thở, những tai nạn thương tâm thảm khốc, hay những lần tắc đường dài nhiều cây số mỗi khi mưa lũ gây sạt lở taluy âm dương, hoặc bất ngờ một tảng đá lớn từ đâu đó ào xuống chắn ngang lòng đường…

Vậy nhưng, ngày 21/7/2017, cái tên Đèo Cả đã thay đổi cả cách nhìn, cách nghĩ, tạo tâm lý an tâm hoàn toàn cho phương tiện và người tham gia lưu thông khi ngọn núi hùng vĩ này được chinh phục bởi chính những người thợ mang tên Đèo Cả. Đèo Cả không còn là nỗi ám ảnh nữa, mà là cung đường lãng mạn, nên thơ với những ai thích khám phá mạo hiểm. Đường hầm Đèo Cả được khánh thành và đưa vào phục vụ lưu thông gắn liền với cái tên Đèo Cả, một thương hiệu xây dựng đường hầm và là biểu tượng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch quốc gia.

Tròn 5 năm sau ngày đặt mũi khoan đầu tiên vào núi Đèo Cả nối Khánh Hòa - Phú Yên, hầm Cù Mông nối Phú Yên với Bình Định cũng bị những người thợ Đèo Cả chinh phục. Đặc biệt hơn, ngày khánh thành và đưa hầm Cù Mông vào sử dụng cũng là ngày 21, chỉ khác là ngày 21 của tháng 1/2019, còn hầm Đèo Cả là 21/7/2017 (cách nhau đúng 18 tháng). Và điều đáng nói ở chỗ, cả hai hạng mục hầm này đều được thi công vượt tiến độ theo kế hoạch phê duyệt của Bộ Giao thông - Vận tải từ 3-4 tháng. Thời gian thi công được rút ngắn, chất lượng công trình được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao.

Chinh phục hầm Cù Mông, những người thợ Đèo Cả đã hoàn tất “cú hattrick” về kỳ tích đào hầm (hầm Cổ Mã - Đèo Cả và Cù Mông) từ Khánh Hòa đến Bình Định, chứng minh khả năng đầu tư xây dựng các công trình quy mô, tầm vóc và cực kỳ phức tạp của một doanh nghiệp dân doanh (hầm Hải Vân 2, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn...).

Khởi nguồn từ mảnh đất Phú Yên với mũi khoan đầu tiên xuyên vào lòng núi Đèo Cả, thông hầm từ Khánh Hòa - Phú Yên, rồi khoan luôn vào lòng núi Cù Mông xuyên qua Bình Định, rồi lại nối đến Hải Vân (Đà Nẵng), chặng đường dài gần 500 km là những dấu chân của những người Đèo Cả đi khai phá.

Nếu nói Đèo Cả và Cù Mông là chiến công của những người thợ Việt thì cũng không quá lời. Dưới tài cầm quân của “Kiến trúc sư” trưởng Hồ Minh Hoàng, người được mệnh danh là ông “vua” hầm đèo, những công trình khó khăn, gai góc, mạo hiểm đến bao nhiêu, lại càng kích thích trí sáng tạo của những người thợ Đèo Cả bấy nhiêu. Ở góc độ tài chính, không chỉ đảm bảo đúng nguồn vốn đầu tư, mà còn tiết kiệm được chi phí lớn từ công trình Đèo Cả để chuyển vốn cho các dự án khác hơn 2.000 tỷ đồng.

Cách quản trị nhân lực của ông Hồ Minh Hoàng cũng “chẳng giống ai”. Có lần, tôi nói về một cá nhân của Đèo Cả rằng, may mắn của những người làm quản lý như anh có một kỹ sư giỏi giang và tâm huyết, kỹ càng và thận trọng đến vậy. Ông Hồ Minh Hoàng “bật” lại ngay: “Ở Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả này ai cũng là “chiến binh” và đã là chiến binh, thì tài năng và gan dạ như nhau. Không có kỹ sư này, sẽ có kỹ sư khác”.

Chỉ một ý ngắn gọn như vậy thôi, cũng phần nào nói lên được phương pháp quản trị “khác thường” của ông “vua” hầm đèo. Cũng nhờ tài năng này, các công trình, dự án của Đèo Cả đều là những đại công trình có tác động to lớn, rõ rệt đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hầm Cù Mông đã về đích trước hẹn, mang đến cho nhân dân hai tỉnh Bình Định - Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung niềm vui lớn với sự kiện thông xe toàn tuyến hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Cung đèo cuối cùng của dải đất miền Trung đã được chinh phục, rộng mở con đường thiên lý Bắc - Nam. Vậy nhưng, tư duy và tầm nhìn chiến lược của ông Hồ Minh Hoàng, của người Đèo Cả lại tiếp tục dấn bước chinh phục những biểu tượng cao hơn - mở rộng nhánh hầm Hải Vân 2.

Đèo Hải Vân, ngọn đèo dài nhất, có độ cao nhất so với mực nước biển, nhiều khúc cua tay áo nhất so với những ngọn đèo dọc dài miền Trung, được xây dựng cách đây 13 năm bằng nguồn vốn ODA. Nhưng lần này, việc mở rộng nhánh hầm số 2 không phải đi vay tổ chức tín dụng nước ngoài nữa, mà do chính nguồn lực của Đèo Cả, do Đèo Cả làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng.

Không những vậy, từ hầm đèo, Đèo Cả phủ rộng ra các đầu tư các loại hình giao thông khác và đích nhắm là các tuyến cao tốc huyết mạch của đất nước. Đó là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp với việc Tập đoàn Đèo Cả được Chính phủ giao tiếp đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng, với tổng chiều dài toàn tuyến là 110,2 km, tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, hiện đang cấp tập thi công để kịp về đích đúng tiến độ vào đầu năm 2020.

Khẳng định thành công xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng

Trong những lần chia sẻ về chặng đường hình thành, phát triển của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng thổ lộ: “Với chúng tôi, đây được xem là giai đoạn với những đột phá quan trọng, 5 năm vượt qua rất nhiều thách thức trên công trường và 10 năm lăn lộn, thể hiện quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực của những người Đèo Cả. Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả không chỉ là cầu nối giao thông và lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, Phú Yên - Bình Định, mà còn tạo động lực, mở rộng cánh cửa giao thương liên kết toàn vùng và khu vực.

Hơn hết, việc ưu tiên và tập trung đầu tư hạ tầng giao thông là một lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm. Phát triển hạ tầng chính là xây dựng nền tảng kinh tế đất nước. Có thể nói, trong sự nhận biết và tích cực đồng hành cùng những chủ trương lớn đó, Tập đoàn Đèo Cả đã trải qua những chặng đường, những dấu mốc quan trọng.

Điều chia sẻ của ông Hồ Minh Hoàng cũng là tâm niệm của một doanh nghiệp dân doanh muốn đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp phát triển đất nước, chia sẻ nguồn lực đầu tư, giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng, phù hợp với định hướng, đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữa tháng 2/2018 tại phiên họp đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết trên, nhấn mạnh đến vai trò của xã hội hóa nguồn lực đầu tư: “Bây giờ không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Phải xã hội hóa để Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người dân có lợi”.

Sự thực chính nhờ thu hút được nguồn lực xã hội một cách mạnh mẽ mà chỉ vài năm, nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ các dự án lớn của các doanh nghiệp dân doanh như Tập đoàn Sungroup; Vingroup; T&T… với những công trình hiện đại nhất cả nước thông qua các hình thức PPP, BOT.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam ấn tượng các năm gần đây có phần đóng góp khá lớn của kinh tế tư nhân. Nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân từ lâu đã đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm.

Hầm đường bộ Đèo Cả là niềm tự hào của cả nước

Đến thăm công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của công trình hầm đường bộ đầu tiên do chính người Việt Nam thi công xây dựng. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là niềm tự hào của cả nước và đề nghị cán bộ, kỹ sư, người lao động của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác thi công, quản lý, bảo trì, vận hành dự án.

“Hầm Đèo Cả đi vào hoạt động vừa giúp đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, cũng như toàn bộ khu vực Nam Trung bộ”, Thủ tướng đánh giá.

Dự án Hầm Đèo Cả: Thông hầm, mở cửa tương lai
Hôm nay (21/8), công trình thế kỷ Hầm đường bộ Đèo Cả chính thức thông xe kỹ thuật. Hơn 4 năm với bao nhiêu mồ hôi, công sức đã đổ xuống công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư