Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dấu chân hợp thời của doanh nhân Việt
Vũ Anh - 09/01/2018 20:32
 
Trong kinh doanh, nếu “quá đà” đi nhanh hơn hoặc chậm hơn nhu cầu của người tiêu dùng thì sẽ thất bại. Họ chỉ cần đi vừa đủ và nhanh hơn đối thủ một chút là thành công.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nắm bắt xu hướng và tạo ra sự trải nghiệm của người trẻ ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long có mặt tại Hội nghị Bất động sản “Lựa chọn khôn ngoan” diễn ra mới đây với tâm thế hào hứng chào đón sự thay đổi nhu cầu và tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại và tương lai.

5 năm tới, Việt Nam có cơ hội lớn

Thứ nhất, Việt Nam tuy có tỷ lệ đô thị hóa thấp so với khu vực, nhưng quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh.

Thứ hai, dân số trẻ, năng động, cùng kinh tế tăng trưởng vượt bậc, kéo theo nhu cầu thị trường lớn. Những dòng sản phẩm phục vụ số đông người trẻ sẽ là cơ hội lớn. Cách đây một thập kỷ, người mua nhà thường mua nhà to, gắn liền với việc kinh doanh, nhưng đến nay, họ chú trọng đến nhu cầu ở và môi trường sống nhiều hơn. Những người trẻ có nhu cầu mua nhà nhỏ hơn, thay vì nhà 3 - 4 tầng cho nhiều thế hệ cùng ở. Đó là thị trường mà Nam Long hướng đến.

Chung dòng suy nghĩ đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đã rút ra sau 18 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là sự chuyển dịch về nhu cầu. Nếu trước đây, người dân có nhu cầu cơm đủ ăn, nhà đủ ở, hoặc chỉ là nơi cư trú, thì hiện nay, họ mua nhà để đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe, môi trường, không gian sống.

Trong giai đoạn đầu phát triển dự án cao cấp đạt tiêu chuẩn xanh của Phúc Khang, bà Mẫu khá lo lắng. Song sau một thời gian tung ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ, việc khách hàng sẵn sàng móc hầu bao đã cho thấy, các tính toán nắm bắt thời cơ của bà là đúng. Nhiệm vụ tiếp theo của bà Mẫu và các cộng sự là tăng cường truyền thông về thay đổi nhận thức này của người tiêu dùng.

Thời gian tới, sẽ có một vài xu hướng mới trên thị trường, theo hướng linh hoạt hơn và có nhiều mô hình kinh doanh hơn, kể cả không gian làm việc, sống, giải trí.

Thế hệ trẻ hiện nay, mà nhiều người vẫn gọi là thế hệ tiêu dùng Y với độ tuổi 20 - 35, đang nổi lên là lực lượng lao động chủ lực, được đào tạo tốt nhất. Dự báo đến năm 2025, thế hệ này sẽ chiếm tới 75% lực lượng lao động toàn cầu. Sự nhạy bén, giỏi công nghệ và biết cách ứng dụng công nghệ là một lợi thế lớn của thế hệ này. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số, sự linh động và nhạy bén của họ sẽ càng được phát huy. Họ chắc chắn muốn thử và trải nghiệm phong cách tiêu dùng mới, nhất là những bạn trẻ dấn thân kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ, với tốc độ phát triển chóng mặt. Họ đã thành công với những thương vụ gọi vốn triệu USD vì tầm nhìn phá cách, nắm bắt thời cơ và tham vọng vô bờ. Minh chứng là làn sóng start-up đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.

Đánh vào người tiêu dùng kết nối

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số như hiện nay, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu sẽ là không đủ để được coi là người tiêu dùng chi phối đến nền kinh tế toàn cầu. Đã đến lúc, các doanh nghiệp cần phải tập trung vào nguồn tăng trưởng mới - người tiêu dùng kết nối.

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, đến năm 2025, đối tượng này sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực có mức độ tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng kết nối cao nhất toàn cầu, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Nielsen chỉ rõ, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người, dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, lên 40 triệu người vào năm 2025. Những người thường xuyên kết nối với Internet cũng là những người có mức sẵn sàng chi tiêu cao. Cụ thể, chi tiêu hằng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam dự báo tăng từ 50 tỷ USD năm 2015 lên 99 tỷ USD năm 2025.

Theo ông Rakesh Dayal, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng kết nối là một phân khúc người tiêu dùng mới, đến từ tất cả các nhóm thu nhập (thấp, trung lưu, cao) và đang phát triển rất nhanh. Họ là những người có hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật số và sẵn sàng chi tiêu rất cao, thậm chí chi trả cao hơn mức thu nhập của mình. “Đây chính là phân khúc mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ người tiêu dùng Việt Nam cần tập trung khai thác”, ông Rakesh Dayal khẳng định.

Đối với những doanh nhân có bề dày kinh nghiệm thương trường, họ không chắc về xu hướng này. Song ở họ luôn tồn tại nguyên tắc bất di bất dịch là tin vào bản năng phán đoán của chính mình. Họ cố gắng làm và tạo ra những xu hướng mà khách hàng thích. Họ quyết định các vấn đề lớn bằng trực giác và sau đó quản lý kinh doanh hàng ngày dựa trên phân tích dữ liệu. Thậm chí, các ông chủ “tóc bạc” này đều sẵn sàng thuê ngoài các hoạt động điều hành thường xuyên để có thể tập trung làm thương hiệu của mình nổi bật hơn, thể hiện đầu óc chiến lược mang tầm khu vực và thế giới hơn. Đó là điều không tưởng của 10 năm trước, khi rất ít doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn đi ra nước ngoài.

“Hầu hết các ông chủ không mong làm điều đó vì rất khổ, họ bị sức ép đứng mũi chịu sào đối với mọi thứ. Họ phải hy sinh lợi ích cá nhân rất nhiều để làm điều đó. Nếu họ có được sự chia sẻ của cộng đồng, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, thì họ sẽ có động lực làm”, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ khi nói về ước mơ Sunhouse trở thành thương hiệu số 1 khu vực ASEAN trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không còn sức để chiến đấu vì nhiều lý do, có một số “ông lớn” ở Việt Nam vẫn thể hiện tầm vóc và sự đầu tư đẳng cấp chẳng thua gì các anh tài trên thế giới. Chẳng hạn, Vingroup, từ một đại gia bất động sản, đã lấn sân sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thậm chí sản xuất ô tô.

“Quan điểm thương trường của tôi rất đơn giản. Đó là, làm gì cũng phải hiểu sâu sắc về nó, dựa trên lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu người dùng. Nếu người dùng đang ở tầm 1.0, thì mình cũng phải 1.0. Người dùng tiến lên 4.0, thì mình cũng phải 4.0. Quan sát người dùng, thấy họ chuyển biến đến đâu, mình đi trước họ một chút, vừa đủ so với đối thủ để cạnh tranh sẽ thành công”, ông Phú nói.

Ý kiến - Nhận định:

"Cảm nhận sự ảnh hưởng rất lớn từ mảng thương mại điện tử"

Ông Hoàng Tuấn Anh, sáng lập Công ty Vũ Trụ Xanh (nhượng quyền thương hiệu PHGLock)

Dường như tất cả các ngành đang trong giai đoạn phải chuyển đổi, nếu không sẽ dễ bị đào thải. Chúng ta có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của xe công nghệ (Uber), tiền số hóa (Bitcoin), thương mại điện tử (Amazon)... Họ chỉ cần 3 - 5 năm để lớn mạnh như các công ty có lịch sử cả trăm năm.

Tôi nắm bắt được cuộc cách mạng đó, nên đã đầu tư từ 6 năm trước để số hóa khóa cơ thành khóa điện tử. Hiện giờ, khóa cơ đang mất dần thị phần và lãi rất thấp, nên các cửa hàng khóa cơ truyền thống đã chuyển qua kinh doanh khóa điện tử...

Tôi mới mở khu mua sắm, ẩm thực Rubik từ năm 2017, nhưng cũng đã cảm nhận được sự ảnh hưởng rất lớn từ mảng thương mại điện tử, nên đã nhanh chóng bắt tay với Foody làm khu ẩm thực online đầu tiên và hiện mang lại gần 50% nguồn khách.

"Tự động hóa nói chung sẽ dần thay thế nhiều mô hình kinh doanh"

TS. Bùi Duy Bách, đồng sáng lập Arimo

Trí tuệ nhân tạo là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới. Ở Việt Nam, hiện là thời điểm tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo, vì trên thế giới, đa phần các công ty vẫn chưa biết vận dụng cụ thể công nghệ này như thế nào. Rào cản lớn nhất để áp dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả với người Việt Nam là phải tìm ra được vấn đề cụ thể của doanh nghiệp mình để đưa ra phương pháp giải quyết dựa trên trí tuệ nhân tạo, mặc dù người Việt Nam học hỏi và áp dụng công nghệ rất nhanh.

Tự động hóa nói chung sẽ dần thay thế nhiều mô hình kinh doanh. Những công việc mang tính lặp đi lặp lại có thể sẽ được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo.

Doanh nhân Việt Nam cần cả hoa hồng và bánh mỳ
Sự ghi nhận cao nhất vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế chính là xóa bỏ sự khu biệt về thành phần kinh tế....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư