Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Đấu giá Na Chi Lăng, thu hơn 700 triệu đồng xây nhà, làm cầu
Phương Linh - 19/08/2023 23:31
 
Sau 3 phiên đấu giá ngày 19/8, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng.

Tại sự kiện, UBND huyện Chi Lăng đã chọn ra 8 quả na to, đẹp nhất được trồng tại các nhà vườn trên địa bàn huyện để đưa ra bán đấu giá, lấy kinh phí xây dựng nhà cho người nghèo và giúp các địa phương xây cầu dân sinh.

Trong đó, 8 quả na được tham gia đấu giá là 3 giống na đặc trưng ở huyện Chi Lăng, gồm: na dai, na bở và na Thái. Sau nhiều vòng đấu giá, 8 quả na này đã được mua với tổng số tiền lên đến 770 triệu đồng.

Đặc biệt, trong phiên đấu giá, 2 quả Na dai Chi Lăng được đấu giá lần lượt là 200 triệu đồng và 220 triệu đồng/quả. Đây là quả na dai được đấu giá cao nhất từ trước đến nay.

Nghệ sĩ Quang Tèo cùng các Streamer tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na.

Đồng thời, Ban tổ chức đã đấu giá thành công 1 quả na bở trị giá 100 triệu đồng. Na bở là giống na truyền thống của huyện Chi Lăng. Đây là giống na từ lâu đời có vỏ dày, cùi dày, ít hạt và có vị ngọt thanh mát, phù hợp với sở thích của nhiều người.

Trong buổi đấu giá, Ban tổ chức cũng đã đấu giá thành công 2 quả na thái được đấu giá 50 triệu đồng/quả; 1 quả na Thái được đấu giá 80 triệu đồng. Một quả Na Chi Lăng cũng được đấu giá 20 triệu đồng; một quả na Thái được đấu giá 50 triệu đồng;  một bức tranh được đấu giá 12,2 triệu đồng. Một doanh nghiệp cũng ủng hộ 100 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, chương trình đấu giá na thành công ngoài mong đợi khi thu hút rất đông khách du lịch, đại diện các doanh nghiệp tham gia.

"Chương trình đấu giá na được tổ chức hàng năm để quảng bá thương hiệu na Chi Lăng, kết nối tiêu thụ na và các sản phẩm nông sản tại địa phương. Chúng tôi đang xây dựng và quyết tâm đưa na trở thành trái cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao nhất trong nhóm sản phẩm nông sản tại địa phương", ông Trường nêu rõ. 

3 trái na Lạng Sơn được bán đấu giá hơn 500 triệu.

Theo UBND huyện Chi Lăng, toàn bộ số tiền thu được từ chương trình bán đấu giá na sẽ được sử dụng để xây dựng 6 cây cầu dân sinh và 2 ngôi nhà cho 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 Chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023 được tổ chức với mục đích tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP tới thị trường trong và ngoài nước. 

Đồng thời, tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, kết nối giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý; thúc đẩy phong trào trồng na và các sản phẩm nông sản trong nhân dân theo quy trình quản lý tiên tiến.

Chương trình cũng nhằm cụ thể hóa tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là dịp quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững. 

Thông qua chương trình góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người mảnh đất Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh.

Huyện Chi Lăng hiện có diện tích trồng na lên tới 2.500 ha, tập trung ở các xã Chi Lăng, Vạn Linh, Hòa Bình, Mai Sao, Y Tịch, Thượng Cường, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng; sản lượng na thu hoạch hàng năm khoảng 22.000 tấn. Cây na đang giúp nông dân có nguồn thu từ 600 - 700 tỷ đồng/năm. Nhờ trồng na, nhiều gia đình tại huyện Chi Lăng đã thoát nghèo và đang có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng năm 2023
Điểm nhấn Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng (10/10) gắn với Đền Chi Lăng; mùa Na Chi Lăng năm 2023...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư