Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dầu khí là ngành kinh tế quan trọng của đất nước
Hoàng Nam - 22/01/2019 08:38
 
Hằng năm khi quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kể cả 5 năm, Quốc hội đều xác định rõ mục tiêu tổng quát, những chỉ tiêu chủ yếu, trong đó khi quyết định về ngân sách thì đều nhìn tới các nguồn lực quan trọng, trong đó có dầu khí.

Trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho hay, khi quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm hay cho 5 năm đều phải tính tới các nguồn lực quốc gia, trong đó nguồn lực từ dầu khí là một trong những nguồn quan trọng.

Đánh giá cao kết quả đã đạt được của PVN trong năm 2018 và cho rằng những kết quả này càng đáng trân trọng hơn trong bối cảnh mà PVN phải đối diện với nhiều khó khăn, cả khách quan và chủ quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, lĩnh vực dầu khí không chỉ là kinh tế mà còn gắn với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và nhấn mạnh “dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước”.

Năm 2018, PVN tiếp tục phải thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro, trong khi đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.

Dẫu vậy PVN vẫn đạt kết quả ấn tượng. Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675.000 tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 626.800 tỷ đồng, vượt 96.000 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2017. Đặc biệt, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN năm 2018 đạt 121.300 tỷ đồng, vượt 47.500 tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2017, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương năm 2018.

Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 47.100 tỷ đồng (kế hoạch 19.100 ngàn tỷ đồng), vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017.

PVN đã cổ phần hoá thành công 3 đơn vị thành viên là PVOIL, BSR và PV Power thu về thặng dư 7.500 tỷ đồng cho nhà nước. Bộ máy cơ quan Tập đoàn được tinh gọn từ 28 Ban/Văn phòng trước đây xuống còn 16 Ban/Văn phòng. Việc cắt giảm các đầu mối Ban chuyên môn/Văn phòng và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy bước đầu đã khắc phục tình trạng ỉ lại, né tránh trách nhiệm, gây chậm trễ trong xử lý công việc. Cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Tập đoàn thể hiện sự tin tưởng, yên tâm lao động cống hiến, nỗ lực vượt khó để cùng lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.

Cũng trong năm 2018, Tập đoàn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đưa 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào hoạt động trở lại (03 dây chuyền sợi vào hoạt động từ 20/4/2018, 3 dây chuyền sợi tiếp theo vào hoạt động từ ngày 1/11/2018)…

Làm việc với các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo PVN cũng đã thẳng thắn cho biết về một số khó khăn, thách thức mà Tập đoàn đã và đang gặp phải, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và những năm tiếp theo như sự không thống nhất trong  việc thực hiện Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn; công tác đầu tư ra nước ngoài; khó khăn trong việc tích hợp, áp dụng giữa các luật; việc thực hiện các mục tiêu chiến lược theo Nghị quyết 41; việc bù thuế sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như khó khăn trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả…

Trước những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua như khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thăm dò khai thác dầu khí do các quy định tại một số văn bản pháp luật chưa thống nhất, còn phức tạp; hay khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành Dầu khí theo chủ trương Nghị quyết 41 của Bộ Chính tri…, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, PVN cần cố gắng phát huy những kết quả đạt được, lưu ý những khó khăn thuận lợi của kinh tế trong nước và sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

“Những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội sẽ nghiên cứu để xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ điều hành quản lý, cần thiết thì Quốc hội sẽ có văn bản yêu cầu Chính phủ thực hiện và báo cáo với Quốc hội để thực hiện đúng Luật Dầu khí và hệ thống pháp luật có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có thông báo kết luận buổi làm việc với PVN, trong đó có những vấn đề yêu cầu PVN phải báo cáo Chính phủ và giải quyết cho đúng, đảm bảo tiến độ, kể cả Nghi Sơn, Thái Bình 2 hay 5 dự án chưa hiệu quả.

PVN có 5 doanh nghiệp được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm 2018
Trong số 97 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp 5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư