Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu năm 2023 lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi
Nguyễn Lê - 04/10/2022 19:08
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra ngày 29/9/2022.

Yêu cầu được đặt ra tại kế hoạch này là xác định rõ ràng, cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Việc triển khai các nhiệm vụ phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tham vấn rộng rãi, đầy đủ, thực chất các đối tượng có liên quan.

Kế hoạch cũng nêu rõ các nội dung cần triển khai thực hiện từ kỳ họp thứ tư đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội.

Theo đó, hồ sơ dự án luật được gửi đến đại biểu Quốc hội trước ngày 1/10/2022.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đối với những nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách. Văn bản tham gia ý kiến (nếu có) gửi về Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 10/10/2022.

Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 20/10/2022.

Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Chính phủ trước ngày 30/11/2022.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022).

Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân cũng đã được ban hành, với yêu cầu tổ chức các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), kế hoạch nêu rõ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, việc lấy ý kiến Nhân dân cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của dự án Luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau; các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm. Có văn bản về các vấn đề lớn xin ý kiến được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận; đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu 2 phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.

Các hình thức lấy ý Nhân dân gồm, góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử và  các hình thức phù hợp khác.

Về trách nhiệm, cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Kinh tế) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong quá tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân được dự kiến trong khoảng từ tháng 1 – 2/2023.

Theo nghị trình, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Đất đai cần đặc biệt tránh hợp thức hóa vi phạm
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả sửa đổi Luật Đất đai là ví dụ sinh động cho việc có thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực trong xây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư