Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Đấu thầu bảo trì Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên: Nhiều nghi vấn xung quanh một công ty bí ẩn
Anh Minh - 27/09/2018 10:24
 
Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cần vào cuộc để rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn nhà thầu Gói thầu Quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.

Chưa thể “chung kết”

Vào giữa tuần trước, ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã ký Quyết định số 94/QĐ - CQLĐBCT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 2 - công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn I), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP. Thái Nguyên (Km 62+200 - Km 70 +700) và hệ thống điện Dự án Tuyến tránh Thái Nguyên trong giai đoạn từ ngày 1/7/2018 đến ngày 31/12/2020 (Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới).

Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 giúp Công ty Bắc Nam bổ sung vào hồ sơ kinh nghiệm năng lực bảo trì đường cao tốc.
Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 giúp Công ty Bắc Nam bổ sung vào hồ sơ kinh nghiệm năng lực bảo trì đường cao tốc.

Cụ thể, nhà thầu trúng thầu Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới là liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam - Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238, với giá trúng thầu đã bao gồm chi phí để thực hiện công việc theo hồ sơ mời thầu, thương thảo hợp đồng, lợi nhuận của nhà thầu và các loại thuế liên quan đến công việc theo quy định của pháp luật trong thời gian từ ngày 1/10/2018 đến hết ngày 31/12/2020 là 90,069 tỷ đồng.

Trước đó, trong hồ sơ đề xuất tài chính được mở vào giữa tháng 9/2018, giá dự thầu của liên danh Công ty Bắc Nam - Công ty 238 là 100,768 tỷ đồng, đã bao gồm 10% thuế VAT, thấp hơn khoảng 35 triệu đồng so với giá gói thầu.

Cần phải nói thêm rằng, sự chênh lệch giữa giá dự thầu của liên danh Công ty Bắc Nam - Công ty 238 và giá trúng thầu vừa được Cục Quản lý đường bộ cao tốc (khoảng 10 tỷ đồng) chủ yếu là do khối lượng công việc bị giảm do rút ngắn thời gian thực hiện Gói thầu từ 30 tháng trong hồ sơ mời thầu xuống còn 27 tháng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) - một trong 4 nhà thầu tham gia đấu thầu cho biết, việc Cục Quản lý đường cao tốc phê duyệt kết quả trúng thầu không làm thay đổi quan điểm bất phục của đơn vị này đối với cả quá trình đấu thầu Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới.

Trước đó, VECE đã gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, rà soát lại việc đấu thầu Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới. Lý do được VECE đưa ra là, bên mời thầu đã vi phạm thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; đưa ra căn cứ loại nhà thầu không hợp lý; có biểu hiện không minh bạch trong việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật điện tử (E - HSĐXKT), nhất là khi chủ đầu tư (Cục Quản lý đường bộ cao tốc) sẽ bị giải thể từ ngày 1/10/2018.

VECE cũng cho rằng, trong Tờ trình số 2146/TTr - BQLDA3 ngày 10/9/2018 của Ban Quản lý dự án 3 (trình lần 5) để chủ đầu tư phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bên mời thầu đã không căn cứ vào ý kiến đánh giá và kết luận của Tổ chuyên gia.

Trước đó, tại các Tờ trình số 1728/TTr - BQLDA3 (trình lần 1); Tờ trình số 1922/TTr - BQLDA3 (lần 2); Tờ trình số 1958/TTr - BQLDA3 (lần 3), bên mời thầu đều trình chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến đánh giá và kết luận của Tổ chuyên gia (Mục 3 của các Tờ trình nêu trên).

Một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (đơn vị được giao giúp Bộ GTVT theo dõi hoạt động đấu thầu trong toàn ngành) cho biết, đã nhận được bút phê chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại văn bản kiến nghị của VECE và sẽ sớm phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát theo đúng quy định pháp luật.

Bí ẩn Công ty Bắc Nam

Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới do Cục Quản lý đường bộ cao tốc làm chủ đầu tư là hạng mục bảo trì thường xuyên 1 tuyến đường cao tốc đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam bằng hình thức đấu thầu qua mạng có quy mô khá lớn. 

Gói thầu sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ này có giá gói thầu lên tới 100,8 tỷ đồng với mục tiêu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 59,660 km đường cao tốc Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm; 6,208 km đường cấp III của tuyến tránh TP. Thái Nguyên và hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán; thời gian thực hiện 30 tháng, bắt đầu từ 0h ngày 1/7/2018 đến 24h ngày 31/12/2020.

Tại Tờ trình 1728/TTr - BQLDA3 ngày 13/7/2018, bên mời thầu trình 4/4 nhà thầu nộp E- HSMT đáp ứng yêu cầu kỹ thuật với kết quả đánh giá không có quá nhiều sự khác biệt (dao động từ 97,65 - 98,595 điểm).
Trong lần trình thứ 2 (ngày 8/8/2018), số lượng nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật giảm xuống còn 3; lần trình thứ 3 và 4, số lượng nhà thầu đạt điểm kỹ thuật chỉ còn 2, gồm Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) và liên danh Bắc Nam - Công ty 238.
Ngày 10/9, tại Tờ trình số 2146/TTr - BQLDA3 do ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 ký, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam bị đánh trượt để Liên danh Bắc Nam - Công ty 238 “một mình một ngựa” lọt vào bước mở hồ sơ đề xuất tài chính. 

Trong quá trình đánh giá E - HSĐXKT, bên mời thầu (Ban Quản lý dự án 3 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) liên tục thay đổi kết quả đánh giá. Sau 5 lần trình chủ đầu tư kết quả đánh giá, liên danh Công ty Bắc Nam - Công ty 238 là ứng thầu duy nhất được chấm đạt điểm kỹ thuật.

Cần phải nói thêm rằng, Công ty Bắc Nam và Công ty 238 chính là 2 đơn vị từng được Cục Quản lý đường bộ cao tốc đặt hàng quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn I), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP. Thái Nguyên (Km 62+200 - Km 70 +700) và hệ thống điện dự án tuyến tránh TP. Thái Nguyên trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến nay.

Nếu như Công ty 238 là đơn vị từng thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) được giao quản lý tuyến Quốc lộ 3 cũ Hà Nội - Thái Nguyên, sau đó được giao lâm quản tuyến Quốc lộ 3 mới trong khi chờ đấu thầu gói thầu bảo trì, thì sự xuất hiện của Công ty Bắc Nam thực sự là một bí ẩn khó hiểu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty Bắc Nam là doanh nghiệp không thuộc Bộ GTVT, được thành lập năm 2005, có trụ sở tại Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) do ông Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Thắng có thời gian dài là Chủ tịch HĐTV của Công ty 238.

Vào cuối tháng 12/2016, trong khi Công ty 238 vẫn đang thực hiện công tác quản lý bảo trì toàn tuyến Quốc lộ 3 mới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bỗng dưng tiến hành “cắt đôi” Quốc lộ 3 mới, tiến hành đặt hàng Công ty Bắc Nam bảo dưỡng đối với đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Thái Nguyên (dài 37,7 km) và tuyến tránh TP. Thái Nguyên trong thời gian 3 tháng (1/2017 - 3/2017). 

Đây là điều rất khó hiểu, bởi vào thời điểm đó, về mặt pháp nhân, Công ty Bắc Nam chưa từng có kinh nghiệm nào trong công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc - một lĩnh vực khác biệt hoàn toàn, với yêu cầu khá cao về kỹ thuật so với việc bảo trì hệ thống đường bộ cấp thấp khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 31/2014/TT - BGTVT về hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quản lý, bảo trì công trình đường bộ sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Bộ GTVT quy định phải thực hiện theo phương thức đấu thầu, chỉ áp dụng phương thức đặt hàng trong trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện đấu thầu đối với: các sản phẩm, dịch vụ công ích có tính chất xây lắp, mua sắm hàng hóa có giá trị không lớn hơn 1 tỷ đồng; các sản phẩm, dịch vụ công ích có tính chất tư vấn có giá trị không lớn hơn 500 triệu đồng. Đối với công tác sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão, lũ, sự cố thiên tai: thực hiện theo phương thức đặt hàng và phù hợp với quy định tại Thông tư số 30/2010/TT - BGTVT ngày 1/10/2010 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ. Tại thời điểm cuối năm 2016, cả hai doanh nghiệp này (Công ty 238 và Bắc Nam) đều không phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích duy nhất tại khu vực phía Bắc.

Điều đáng nói là, từ tháng 1/2017 đến nay, với lý do chưa thể đấu thầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên tục gia hạn đặt hàng công ích đối với hai doanh nghiệp trên (Công ty 238 và Công ty Bắc Nam) trong việc quản lý, bảo trì Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên

“Ngoài việc nhận được công việc có giá trị gần trăm tỷ đồng, đây bước đệm quý giá để Công ty Bắc Nam bổ sung vào hồ sơ kinh nghiệm năng lực bảo trì đường cao tốc để có thể tham gia đấu thầu Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới”, một chuyên gia về đấu thầu nhận định.

Thứ trưởng Bộ Giao thông: Sẽ đấu thầu dự án BOT giao thông
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, với dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư