Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Điểm gợn lớn tại Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới
Anh Minh - 18/09/2018 08:14
 
Gói thầu Quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên không nhận được sự “tâm phục, khẩu phục” của nhiều ứng thầu tham dự.
TIN LIÊN QUAN

Điệp khúc “nhà thầu quen mặt”

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu Quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP. Thái Nguyên (Km 62+200 - Km 70+700) và hệ thống điện Dự án Tuyến tránh Thái Nguyên thời gian 3 năm (Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới).

Công tác bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới được nhiều nhà thầu quan tâm. Ảnh: Anh Minh
Công tác bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới được nhiều nhà thầu quan tâm. Ảnh: Anh Minh

Căn cứ biên bản mở thầu hồ sơ đề xuất tài chính Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới được đăng tải trên Cổng thông tin đấu thầu - Hệ thống đấu thầu điện tử (http://muasamcong.mpi.gov.vn), giá dự thầu sau giảm giá của liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam - Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Xây dựng công trình giao thông 238 (Liên danh Bắc Nam - 238)  là 100,768 tỷ đồng, thấp hơn giá gói thầu vẻn vẹn 35 triệu đồng (tương đương 0,034% giá gói thầu).

Theo biên bản mở thầu, liên danh Bắc Nam - 238 là ứng thầu duy nhất được Ban Quản lý dự án 3 chấm đạt điểm kỹ thuật (98,59 điểm) trong số 4 ứng thầu nộp hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) tại thời điểm đóng thầu (17h23 ngày 22/6/2018).

Cần phải nói thêm rằng, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam chính là đơn vị từng được Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) giao không thông qua đấu thầu  để quản lý bảo dưỡng thường xuyên hạng mục Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn I), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP. Thái Nguyên (Km 62+200 - Km 70 +700) và hệ thống điện dự án tuyến tránh Thái Nguyên trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2018. Nhà thầu này cũng được một đơn vị khác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Cục Quản lý đường bộ 1 đặt hàng không thông qua đấu thầu công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (đoạn Km 2+700 - Km15+630).

Sở dĩ Gói thầu bảo trì Quốc lộ 3 mới do Cục Quản lý đường bộ cao tốc làm chủ đầu tư đang nhận được sự quam tâm rất lớn của các đơn vị bảo dưỡng đường bộ trong cả nước, bởi đây không chỉ là hạng mục bảo trì thường xuyên tuyến đường cao tốc đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam bằng hình thức đấu thầu qua mạng, mà còn có quy mô khá lớn. Gói thầu sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ này có giá gói thầu lên tới 100,8 tỷ đồng, với mục tiêu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 59,660 km đường cao tốc Quốc lộ 3 mới, Hà Nội - Thái Nguyên cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm; 6,208 km đường cấp III của tuyến tránh TP. Thái Nguyên và 2 nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán; thời gian thực hiện 30 tháng, bắt đầu từ 0h ngày 1/7/2018 đến 24h ngày 31/12/2020.

Những điểm gợn lớn

Bất chấp việc đã mở được hồ sơ đề xuất tài chính, nhưng chủ đầu tư và bên mời thầu vẫn vi phạm thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, khoản 1, Điều 12, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định: Thời gian đánh giá HSDT tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước kể từ thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả đánh giá, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đánh giá HSDT nhưng không quá 20 ngày và phải đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; thời gian thẩm định được ấn định tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình.

Do Gói thầu Bảo trì quốc lộ 3 mới được mở thầu vào ngày 22/6/2018, nên thời gian đánh giá, thẩm định HSDT (bao gồm cả thời gian kéo dài) sẽ phải hoàn thành trước ngày 5/9/2018. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày 14/9/2018, Cục Quản lý Đường cao tốc mới phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của E-HSMT.

Sự chậm trễ không những ảnh hưởng đến các nhà thầu tham gia dự thầu, mà còn dẫn đến việc phải kéo dài thời gian hợp đồng đặt hàng đối với đơn vị đang thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình này.

Ngoài lỗi vi phạm Luật Đấu thầu nói trên, theo thông tin do Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE - một trong 4 ứng thầu nộp E-HSDT) phản ánh, trong quá trình đánh giá E-Hồ sơ đề xuất kỹ thuật, bên mời thầu liên tục thay đổi kết quả đánh giá.

Theo đó, tại Tờ trình 1728/TTr - BQLDA3 ngày 13/7/2018, bên mời thầu trình 4/4 nhà thầu nộp E-HSMT đáp ứng yêu cầu kỹ thuật với kết quả đánh giá không có quá nhiều sự khác biệt (dao động từ 97,65  đến 98,595 điểm). Trong lần trình thứ 2, số lượng nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật giảm xuống còn 3; lần trình thứ  3 và 4, số lượng nhà thầu đạt điểm kỹ thuật chỉ còn VECE và liên danh Bắc Nam - 238. Đến ngày 10/9, tại Tờ trình số 2146 do ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 ký, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam bị đánh trượt để Liên danh Bắc Nam - 238 “một mình một ngựa” lọt vào bước mở hồ sơ đề xuất tài chính.

Điều đáng nói là, theo đại diện VECE, giá dự thầu của đơn vị này thấp hơn rất nhiều giá dự thầu của liên danh Bắc Nam - 238, vì vậy, sau những uẩn khúc về sự chậm trễ và những “biến hóa” sau 4 lần thay đổi tờ trình, việc lựa chọn liên danh Bắc Nam - 238 là nhà thầu trúng thầu sẽ khiến Nhà nước bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm hàng chục tỷ đồng thông qua đấu thầu, thay vì chỉ vẻn vẹn 35 triệu đồng.

“Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan có chức năng để đề nghị làm rõ những nghi vấn trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu Gói thầu Bảo trì Quốc lộ 3 mới”, đại diện một ứng thầu tham dự cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư