Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đấu thầu dự án công: Muôn kiểu chặn nhà thầu Việt
Hữu Tuấn - 17/09/2015 07:56
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Kết luận kiểm tra việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được tại một số gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước…

Ngày 3/4/2015, Báo Đầu tư đã có bài viết “Đấu thầu dự án công: Doanh nghiệp Việt bị xử ép trên sân nhà”, phản ánh tình trạng các cơ quan nhà nước khi xây dựng các gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp đã “dựng hàng rào” ngăn cản sự tham gia của Công ty cổ phần Sáng Ban Mai - doanh nghiệp chuyên sản xuất máy phát điện của Việt Nam.

Ngay sau khi bài báo được đăng tải, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, vào cuộc kiểm tra, làm rõ các vấn đề mà Công ty cổ phần Sáng Ban Mai phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các gói thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, không đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Theo đó, trong các gói thầu cung cấp máy phát điện của các chủ đầu tư như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Chỉ sợi cao su V.R.G SADO, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)... đã yêu cầu hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ (được nhập khẩu đồng bộ) từ các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Cục Quản lý đấu thầu, việc đưa các nội dung yêu cầu về xuất xứ hàng hóa vào trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã tạo lợi thế cho một số nhà thầu, hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu khác, đặc biệt đối với nhà thầu là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước, không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu. Đây là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; điểm i, khoản 6, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013; điểm b, khoản 2, Điều 23, Nghị định 85/2009/NĐ-CP; khoản 5, Điều 12, Luật Đấu thầu 2005 (đối với gói thầu có hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phát hành trước ngày 1/7/2014).

Thậm chí, gói thầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu hãng sản xuất máy phát điện phải có thương hiệu và lâu đời, cụ thể là phải có kinh nghiệm trên 45 năm. Yêu cầu này là có định hướng đến một số nhà sản xuất cụ thể. Chủ đầu tư này còn yêu cầu nhà thầu phải có tối thiểu 3 hợp đồng tương tự thực hiện các gói thầu cung cấp và lắp đặt máy phát điện cho các công trình thuộc lĩnh vực y tế, cố ý định hướng đến nhà thầu đã cung cấp và lắp đặt máy phát điện cho các công trình thuộc lĩnh vực y tế, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 18, Luật Đấu thầu.

Hay như việc quy đổi xuất xứ của hàng hóa về cùng một mặt bằng đánh giá (hệ số k) được áp dụng theo quy định tại Điểm d, khoản 3, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc đưa ra hệ số này không có tính khoa học (như căn cứ kinh nghiệm thực hiện trước đây, các công bố, nghiên cứu đã được công nhận về chất lượng liên quan đến xuất xứ hàng hóa...), dẫn đến không đảm bảo công bằng đối với hàng hóa có xuất xứ khác nhau.

Gói thầu của một chủ đầu tư còn đưa ra yêu cầu nhà thầu phải cam kết ứng vốn trước 100% mà không kèm theo giải thích việc thanh toán được chủ đầu tư thực hiện khi nhà thầu hoàn thành cung cấp, lắp đặt thiết bị, dẫn đến sự hiểu lầm đối với nhà thầu tham dự, khiến nhà thầu Việt Nam bị loại.

Thậm chí, gói thầu của HUD còn quy định nhà thầu phải có catalogue đầy đủ thông số kỹ thuật của sản phẩm cung ứng theo đúng yêu cầu hồ sơ mời thầu và coi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu…

Cục Quản lý đấu thầu còn phát hiện hàng loạt sai sót của các chủ đầu tư, nhà tư vấn thầu trong quá trình thực hiện, như không quy định rõ về tính chất tương tự, giá trị hợp đồng tương tự; yêu cầu về doanh thu trung bình hàng năm quá cao so với giá gói thầu, gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu; chủ đầu tư đã đánh giá không đạt và loại một số nhà thầu đối với nội dung về bảo đảm dự thầu trong khi các nhà thầu này có bảo đảm dự thầu hợp lệ; không tiến hành làm rõ các nội dung về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm mà vẫn đánh giá nhà thầu không đạt; thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu, ký kết hợp đồng khi hồ sơ dự thầu của nhà thầu đã hết hiệu lực…

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt

Ngoài việc phát hiện những sai sót của các chủ đầu tư về việc dựng lên các tiêu chí ngăn cản hoặc làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa trong nước, Cục Quản lý đấu thầu còn cho rằng, chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện của máy phát điện và đối với máy phát điện nguyên chiếc cũng là một trong những cản trở đối với các nhà sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước.

Cụ thể, theo các văn bản về ban hành các biểu thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, thuế suất thuế nhập khẩu tổ máy phát điện công suất lớn hơn 75 KVA (bao gồm động cơ diesel, máy phát điện, phụ kiện) ở mức 0% đã hạn chế việc lắp ráp và sản xuất trong nước. Từ vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan đến thuế nhập khẩu nguyên chiếc và nhập khẩu linh kiện máy phát điện để sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi và thúc đẩy việc sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, công khai, quảng bá sản phẩm tổ máy phát điện sản xuất, lắp ráp trong nước chưa được thực hiện tốt. Sản phẩm này tuy được Bộ Công thương đưa vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, nhưng chưa được công khai, quảng bá rộng rãi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịp thời các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để đưa vào danh mục thuộc các thông tư, quyết định do Bộ ban hành, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai thông tin rộng rãi về danh sách máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các cơ quan chủ quản của các chủ đầu tư xem xét, xử lý các sai sót trong công tác đấu thầu của các chủ đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư nêu trên thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai sót tại gói thầu do cơ quan, đơn vị mình làm chủ đầu tư và gửi báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 1/10/2015.

Dựng “hàng rào” chặn nhà thầu yếu kém
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp có hiệu lực thi hành kể từ ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư