Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dầu thực vật Tường An lên kế hoạch trút bỏ hình ảnh “thiếu năng động”
Hồng Phúc - 10/06/2017 11:43
 
HĐQT Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, trong năm 2017, Công ty sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc sản phẩm, nghiên cứu và ra mắt một số sản phẩm mới, nhằm trút bỏ hình ảnh “thiếu năng động”.

Với Đại hội cổ đông thường niên 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM, Tường An đã thông qua các tờ trình liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2017, đổi trụ sở chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích quỹ và chia cổ tức năm 2016, bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022...

Sắp xếp lại danh mục sản phẩm

Theo kế hoạch năm 2017, Tường An sẽ đạt doanh thu khoảng 4.373 tỷ đồng, lãi trước thuế 165 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 96% so với năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, thành viên HĐQT Tường An (cũng là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido) cho biết, lãi trước thuế năm 2017 được đặt ở mức cao, do từ năm này, Công ty bước vào giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm, cụ thể là phân loại và tập trung phát triển một số nhóm hàng chủ lực.

Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc tài chính của Tường An chia sẻ một số thông tin tài chính của Công ty
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc tài chính của Tường An chia sẻ một số thông tin tài chính của Công ty

Thừa nhận các kế hoạch này là thách thức cho Tường An khi thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt, với 70% thị phần ngành được nắm giữ bởi 4 công ty đầu ngành, đại diện Tường An tự tin sẽ có cách để thực hiện mục tiêu trên.

Trong báo cáo thường niên 2016, HĐQT Tường An tự nhận xét, dù Tường An được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhưng những năm gần đây, do không có hoạt động cụ thể làm gia tăng giá trị thương hiệu, nên hình ảnh Tường An trở nên thiếu năng động trong bối cảnh thị trường dầu ăn vốn có nhiều sự cạnh tranh và thị hiếu của người tiêu dùng dễ thay đổi.

Giai đoạn tới, Tường An sẽ bắt đầu sắp xếp lại danh mục sản phẩm và ra mắt các sản phẩm mới. “Chúng tôi sẽ ra mắt một số sản phẩm mới cho mọi lứa tuổi, nhưng chú trọng vào yếu tố tốt cho sức khỏe, thay vì yếu tố giá cả, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã trên 2.000 USD và ngày càng tăng. Song song đó, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài”, bà Liễu cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, thành viên HĐQT Tường An cho biết thêm, năm 2017, Công ty tập trung vào phân khúc sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, chủ yếu là phân khúc vi chất, đồng thời cải tiến sản phẩm hiện có.

“Không chỉ có sản phẩm 100% đậu nành, mà còn nhiều sản phẩm cao cấp cho từng đối tượng khách hàng như trẻ em, thanh niên, người già…”, bà Hạnh nói.

Để đạt được kế hoạch năm 2017, Tường An sẽ chú trọng một số việc như đẩy mạnh nhóm sản phẩm chủ lực tại các thị trường dẫn đầu là TP.HCM, miền Đông; phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP); thiết kế lại các phòng, ban...

Không lo vấn đề nguyên liệu

Theo báo cáo kinh doanh năm 2016 của Tường An, lãi trước thuế của Công ty chỉ đạt 83,84 tỷ đồng, thấp hơn con số 87,175 tỷ đồng trong năm 2015. Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, HĐQT Công ty cho biết, lý do chủ yếu là giá nguyên liệu thô biến động. Theo bà Liễu, năm 2016, giá nguyên liệu thô tăng 20% trong khi trên 70% nguyên liệu của Công ty phải nhập khẩu, chủ yếu từ Malaysia.

Để giảm sự bị động khi giá nguyên liệu tăng, một số cổ đông cho rằng, Công ty nên sử dụng các loại dầu khác (dầu mè, dầu đậu phộng...), thay vì chỉ tập trung vào dầu cọ như hiện tại. Về vấn đề này, bà Xuân Liễu liên tục nhắc đến sự đóng góp của Kido trong việc kinh doanh của Tường An. Theo đó, thông qua Kido, Tường An sẽ chi phối nhà cung cấp, chứ không chi phối thị trường nguyên liệu dầu.

Bà Liễu cho biết, do đặc thù về thổ nhưỡng, thời tiết ở Việt Nam, nên việc canh tác và tạo ra những vùng nguyên liệu để sản xuất dầu còn nhiều khó khăn. Do đó, dù có thay đổi loại dầu nguyên liệu nào đi chăng nữa, thì Tường An vẫn phải nhập khẩu, chứ không thể chủ động hoàn toàn được.

Thêm vào đó, kể từ khi sáp nhập, Tường An và Kido đã tạo thành “sức mạnh tổng hợp”. Theo đó, chiếm 35% thị phần dầu trên thị trường, Kido có cách nắm được quy luật, diễn biến giá dầu, có hình thức, phương cách mua dầu đảm bảo cho Tường An có thể chi phối được nhà cung cấp khi họ rất cần những đơn vị tiêu thụ như Tường An. “Vì vậy, cổ đông không nên có bất kỳ sự quan ngại nào cho vấn đề này”, bà Xuân Liễu nói.

Danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2017-2020

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT Tường An;

Ông Trần Lệ Nguyên, thành viên HĐQT Tường An (hiện còn là Phó chủ tịch/ Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt);

Ông Hà Bình Sơn, thành viên HĐQT/ Tổng giám đốc Tường An;

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, thành viên HĐQT Tường An (hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Tổng giám đốc/ thành viên HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam);

Ông Kelly Yin Hong Won, thành viên HĐQT Tường An (Phó tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Kido).
CEO KIDO trở thành Chủ tịch Dầu Tường An
Ngày 6/10, CTCP Dầu thực vật Tường An (mã TAC, sàn HOSE) đã tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư