Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư 2.794 tỷ đồng xây đường song hành vành đai 4 qua Bắc Ninh
Bảo Như - 30/04/2023 11:09
 
Dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 30,6 km.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ký Quyết định số 538/QĐ – UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.3: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, đoạn tuyến đường song hành vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua Bắc Ninh có chiều dài trung bình khoảng 23,5 km trong đó đường song hành trái có chiều dài khoảng 22,2 km (không bao gồm đoạn đi trùng với tuyến số 5 của khu công nghiệp Thuận Thành 1 do Tổng công ty VIGLACERA làm chủ đầu tư); đường song hành phải có chiều dài khoảng 24,8 Km).

Dự án còn 1 đoạn tuyến nối giữa đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long: Có chiều dài trung bình khoảng 7,105 km (đường song hành trái có chiều dài khoảng 6,64 km, đường song hành phải có chiều dài khoảng 7,57 km).

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường song hành (đường đô thị), loại đường phố chính chủ yếu, được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 60-80 km/h; mặt cắt ngang phần đường (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) rộng 12 m, mặt cắt cầu rộng 15,5 m.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.794 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026 2030 (theo Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 15/6/2022 của HĐND tỉnh Bắc Ninh). Dự án được triển khai từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, tính chất liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Đối với Bắc Ninh, đường vành đai 4 là trục giao thông lớn đi qua các khu vực trung tâm của tỉnh, kết nối các huyện, thành phố, đồng thời là tuyến giao thông kết nối các huyện phía Nam sông Đuống (Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành) với các tỉnh, thành phố lân cận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần cân đối cơ cấu kinh tế giữa các huyện, thành phố trong tỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư