Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Đầu tư 3.000 tỷ đồng mở rộng hai Quốc lộ và dự án casino 6 tỷ USD
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 26/06/2021 09:25
 
Đầu tư 1.500 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng; TP.HCM chi gần 1.500 tỷ mở rộng Quốc lộ 50; Thực hư dự án casino 6 tỷ USD tại Bình Định…

Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Hải Phòng: Xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền hơn 253 tỷ đồng

Sáng 19/6, UBND quận Ngô Quyền, Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị quận tại lô 26A Khu đô thị mới Ngã 5 Cát Bi.

Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền. Ảnh: Hồng Phong
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền. Ảnh: Hồng Phong

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đinh Minh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết, việc đầu tư xây dựng mới Trung tâm Hành chính - Chính trị quận là nhu cầu cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng, đây là một trong số những công trình trọng điểm của quận Ngô Quyền trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu thiết yếu về cơ sở vật chất làm việc cho các phòng, ban, đơn vị thuộc quận; góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chương trình cải cách hành hình, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt nhất các tổ chức và người dân đến liên hệ công tác.

Được triển khai tại khu vực lô 26A Khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền có tổng diện 13.600 m2, quy mô 9 tầng và 1 tầng hầm với tổng mức đầu tư hơn 253 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận và thành phố. Trong đó, phần diện tích xây dựng các công trình Trung tâm Hành chính - Chính trị quận chiếm 10.882 m2. Diện tích xây dựng công viên cây xanh sử dụng chung là 2.718 m2.

Các hạng mục công trình dự kiến đầu tư xây dựng trong khu vực gồm: Khu nhà làm việc cơ quan Quận ủy - HĐND - UBND quận; Trung tâm hội nghị; các công trình hạ tầng kỹ thuật; các hạng mục phụ trợ (cổng, tường rào, nhà thường trực, trạm điện, bể nước ngầm, quảng trường, đài phun nước, cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa...).

Dự án góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông khu vực, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và quận, đồng thời tăng cường không gian xanh trong đô thị, thiết thực cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân quanh khu vực. Công trình cũng là điểm nhấn về kiến trúc, góp phần chỉnh trang đô thị quận theo hướng hiện đại, văn minh.

Tại lễ khởi công, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, dự án này sẽ là một trong những công trình sẽ làm nên dấu ấn của quận Ngô Quyền trong nhiệm kỳ này. Đồng thời, đề nghị UBND quận Ngô Quyền, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thi công công trình theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án. Tổ chức quản lý dự án, kiểm tra giám sát công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Phấn đấu hoàn thành Dự án và tổ chức khánh thành công trình vào tháng 6/2023.

Đề xuất đầu tư 803 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì

Đoạn tuyến Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì dài khoảng 11 km sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng để đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe.

Ban quản lý Dự án 2 vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì.

Một đoạn Quốc lộ 2.
Một đoạn Quốc lộ 2.

Dự án được triển khai trên địa bàn các huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) với điểm đầu tuyến tại Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh); điểm cuối tuyến nối với đường đầu cầu Việt Trì mới tại Km49+630,11 (theo lý trình mới).

Tuyến đường thuộc Dự án có chiều dài 10,98 km (trong đó có khoảng 2,5 km tuyến mới), trong đó, đoạn từ Km38+600 đến Km39+600 sẽ được nâng cấp, mở rộng đạt quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 18; đoạn từ Km39+600 đến Km49+630 có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22,5m.

Dự án có tổng mức đầu tư 803,66 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý I/2023 và hoàn thành xây dựng công trình vào quý I/2025.

Được biết, Quốc lộ 2 là tuyến đường quan trọng của mạng lưới giao thông khu vực phía Bắc, có chức năng kết nối các trung tâm kinh tế - xã hội lớn, kết nối các tỉnh phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội.

Đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn, xe tải trọng cao thường xuyên lưu thông với mật độ cao, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Đoạn tuyến từ Km7+880 (nút giao với đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài) - Km38+600 và cầu Việt Trì mới (Km49+630) cơ bản đã đạt quy mô đường cấp II với mặt cắt 4 làn xe. Tuy nhiên, đoạn tuyến Km38+600 - Km49+630 hiện tại có quy mô 2 làn xe, mặt cắt ngang 11m nên thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo Ban quản lý dự án 2, Dự án mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thúc đẩy đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, từng bước hoàn chỉnh xây dựng theo quy hoạch; góp phần tạo động lực quan trọng trong việc phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

Nghiên cứu đầu tư khu logistics và công nghiệp hàng không 1.650 ha tại Cần Thơ

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký văn bản chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án trên địa bàn thành phố.

Đó là các Dự án: Khu Logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy, với quy mô khoảng 1.650 ha (giai đoạn 1 khoảng 350 ha).

Khu đất bên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy được nghiên cứu đầu tư Khu Logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ
Khu đất bên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy được nghiên cứu đầu tư Khu Logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ

Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền, quy mô khoảng 1.000 ha.

Đối với Dự án terminal cargo và hangar sửa chữa tàu bay tại sân bay quốc tế Cần Thơ, quy mô 1,8 ha, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hỗ trợ, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư liên hệ trao đổi với Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng công ty hàng không Việt Nam tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án đảm bảo đúng quy định.

Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 6 tháng kể từ ngày có văn bản chấp thuận của UBND thành phố (18/6/2021). Mọi chi phí liên quan đến việc khảo sát, nghiên cứu do nhà đầu tư tự chi trả. Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND quận Bình Thủy, UBND huyện Phong Điền và các đơn vị có liên quan hỗ trợ, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu khi có yêu cầu, đảm bảo đúng quy định.

Đà Nẵng đề xuất bổ sung thêm 11 dự án động lực

Theo báo cáo số 3154/UBND-TH của UBND TP. Đà Nẵng về tình hình thực hiện các Dự án, công trình trọng điểm động lực, địa phương này đã đề xuất bổ sung thêm 11 dự án.

Đây là những dự án có số vốn đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Những Dự án được đề xuất gồm: Dự án Không gian sáng tạo tại quận Cẩm Lệ có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; Khu Công nghệ thông tin vịnh Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Đà Nẵng tại quận Hải Châu có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, Trung tâm tài chính tại quận Sơn Trà có vốn đầu tư 44.000 tỷ đồng; Khu tổ hợp và phi thuế quan tại huyện Hòa Vang có vốn đầu tư 45.000 tỷ đồng.

Những dự án du lịch được đề xuất gồm có Khu du lịch sinh thái Nam Ô tại quận Liên Chiểu có vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng; Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel Resort giai đoạn 2 tại quận Liên Chiểu có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.

Một số dự án khác như: Khu phức hợp tài chính, thương mại, vui chơi giải trí có thưởng và chung cư cao cấp Phước Mỹ tại quận Sơn Trà có vốn đầu tư 44.000 tỷ đồng; Nhà máy đốt rác phát điện tại quận Liên Chiểu có vốn đầu tư 1.739 tỷ đồng.

Các dự án Mở rộng nhà ga T1 và xây dựng cảng hàng hóa tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và dự án Bãi chứa container tại huyện Hòa Vang cũng được bổ sung vào nhóm 11 dự án công trình trọng điểm, động lực mới giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa xác định giá trị vốn đầu tư.

Theo Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng, hiện thành phố đang triển khai 55 dự án công trình trọng điểm, động lực với tổng vốn đầu tư 47.960 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và Trung ương; 31 dự án công trình trọng điểm động lực chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 với vốn đầu tư 37.436 tỷ đồng.

Quảng Ngãi: Duyệt 15 dự án, nhóm dự án thu hút đầu tư trọng điểm

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt danh mục Dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Ở lĩnh vực Công nghiệp, sẽ tập trung thu hút đầu tư 03 nhóm dự án, bao gồm: Sản xuất dệt, may mặc, giày da; Sản xuất chế biến thực phẩm, nước giải khát; Các nhà máy cơ khí chế tạo siêu trường, siêu trọng; Sản xuất kim loại và gia công thép; Sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn; Sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; Công nghiệp phụ trợ, Logistics.

Từ tiền đề là Khu liên hợp luyện cán thép Hoà Phát Dung Quất, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh mục tiêu thu hút các Dự án công nghiệp lớn, sớm đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp theo định hướng
Từ tiền đề là Khu liên hợp luyện cán thép Hoà Phát Dung Quất, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh mục tiêu thu hút các dự án công nghiệp lớn, sớm đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp theo định hướng

Ở nhóm dự án này, Quảng Ngãi cũng đặt trọng tâm đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng vượt trội. Đồng thời,thu hút đầu tư các dự án ở lĩnh vực hoá dầu, hoá chất; Dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất IV (750MW).

Ở lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ, giai đoạn này, Quảng Ngãi sẽ tập trung thu hút đầu tư 06 dự án, trong đó riêng huyện Trà Bồng có 2 dự án; huyện Lý Sơn, đề xuất thu hút đầu tư 02 dự án bao gồm: Khu du lịch-dịch vụ An Vĩnh; Khu du lịch-dịch vụ Đồng Hộ, An Hải. Song song đó, trong đất liền, là các dự án Công viên trung tâm thành phố Quảng Ngãi; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích; Dự án Khu du lịch sinh thái Cà Đam; Khu du lịch sinh thái Trà Bói.

Điều khá bất ngờ là ở giai đoạn này, dù Quảng Ngãi đang thể hiện rõ quyết tâm đầu tư cho hạ tầng nhưng trong danh mục dự án trọng điểm kêu gọi thu hút đầu tư, chỉ có 2 dự án liên quan đến hạ tầng, giao thông và môi trường. Bao gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Đức Phổ và Nghĩa trang nhân dân Nghĩa Kỳ.

Với lĩnh vực đô thị, dịch vụ - khu dân cư, cũng chỉ đặt trọng tâm cho 3 dự án, nhóm dự án trọng điểm, bao gồm: Dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long; Các dự án đầu tư khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại; Đầu tư du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, tập trung thu hút đầu tư dự án Khu đô thị Đảo Ngọc 178ha do Sở Xây dựng đề xuất.

Trên cơ sở Danh mục dự án được ban hành kèm theo Quyết định này, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan xây dựng tài liệu thông tin về các dự án, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi; tiếp tục rà soát, lựa chọn các công trình, dự án để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung vào Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Quyết định cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND các huyện: Tư Nghĩa, Lý Sơn, Trà Bồng, thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi và cơ quan, đơn vị liên quan: Căn cứ Danh mục dự án ban hành tại Quyết định này, có trách nhiệm khẩn trương rà soát tham mưu cấp có thẩm quyền cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương theo đúng quy định.

Quảng Nam kiến nghị tạm đình chỉ thi công hai thủy điện Đắk Di 1 và 2

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi UBND Tỉnh và Tổng Cục Đường bộ về những vi phạm của Công ty tư vấn và phát triển điện Cửu Long khi tự ý thi công các công trình đấu nối vào QL40B.

Điểm đấu nối trái phép của Công ty Cửu Long vào Quốc lộ 40B. Ảnh: T.T
Điểm đấu nối trái phép của Công ty Cửu Long vào Quốc lộ 40B. Ảnh: T.T

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, Công ty Cửu Long là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắk Di 1 và nhà máy thủy điện Đắk Di 2 trên địa bàn huyện Nam Trà My, doanh nghiệp này đã đã tự ý thi công các công trình đấu nối vào Quốc lộ 40B. Đặc biệt, Công ty không đấu nối vào Km85+150 như quy hoạch mà đấu nối trái phép vào Km85+030, đây là vị trí trên QL40B có độ dốc dọc lớn và đường cong nên rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất về tai nạn giao thông, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức đấu nối tạm và lâu dài. Tại các vị trí đấu nối trái phép, kết cấu đường QL40B bị hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường bị bong tróc…

Trước những vi phạm trên, Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam đã lập nhiều biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cửu Long và các nhà thầu thi công 157 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định đồng thời sử dụng hộ lan mềm để rào chắn các vị trí đấu nối. Tuy nhiên, ngay sau đó Công ty đã tự ý phá dỡ hộ lan để đi lại.

Hành động phớt lờ của Công ty Cửu Long trước yêu cầu của ngành giao thông tỉnh Quảng Nam đã xâm hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng, gây thiệt hại tài sản nhà nước, công sức và thời gian của các lực lượng quản lý đường bộ, gây mất ATGT trên tuyến QL40B. Mức độ thiệt hại ước tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại về kết cấu hạ tầng trên 1 tỷ đồng; thiệt hại của các đơn vị bảo trì đường bộ trên 100 triệu đồng…

Trước những vi phạm đó, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam tạm đình chỉ thi công 2 nhà máy thủy điện Đắk Di 1 và Đắk Di 2, đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện Nam Trà My do DN này đầu tư. Thời gian tạm đình chỉ 3 tháng hoặc đến khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định. Sau thời hạn trên, nếu công ty không thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục thì xem xét, chấm dứt hoạt động Dự án.

Đồng thời, yêu cầu công ty này thực hiện đầy đủ quy định trong thi công và khai thác, vận hành thủy điện Đắk Di 1 và Đắk Di 2, đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện Nam Trà My, đặc biệt là pháp luật về giao thông đường bộ; có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; Đắk Di 1 và Đắk Di 2 tại địa bàn xã Trà Don (Nam Trà My). Dự án thủy điện Đak Di 1 có công suất lắp máy 16 MW, tổng vốn đầu tư hơn 331 tỷ đồng. Thủy điện Đăk Di 2 có công suất lắp máy 12MW, tổng vốn đầu tư hơn 252 tỷ đồng.

Kon Tum kêu gọi đầu tư 2 sân golf tại Măng Đen và TP. Kon Tum

Đây là nội dung tại Báo cáo tình hình quy hoạch sân golf trên địa bàn tỉnh Kon Tum của UBND tỉnh Kon Tum vừa được ban hành và công bố trong ngày 22/6.

Dự án Sân Golf Kon Plong được quy hoạch tại thị trấn Măng Đen, Kon Tum - Ảnh: Kha Quỳnh Giao
Dự án Sân Golf Kon Plong được quy hoạch tại thị trấn Măng Đen, Kon Tum - Ảnh: Kha Quỳnh Giao

Theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có Dự án sân golf thực hiện. Tuy nhiên, quy hoạch dự án sân golf trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 và Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum có 1 dự án sân golf được quy hoạch, đó là Sân golf Công ty cổ phần Sài Gòn - Măng Đen tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, Dự án sân Golf tại huyện Kon Plông phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013; thuộc danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020 của UBND tỉnh Kon Tum.

Dự án có vị trí thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với tổng diện tích đất khoảng 64,6 ha. Hiện trạng khu đất là khu vực có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, có độ dốc lớn. Quy mô đầu tư xây dựng là sân Golf 18 lỗ.

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Thời hạn triển khai dự án khoảng 36 tháng kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.Thời hạn hoạt động trong khoảng thời hạn 50 - 70 năm. Số lao động giải quyết việc làm khoảng 100 người, chủ yếu là lao động tại địa phương.

Theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Dự án sân Golf Công ty cổ phần Sài Gòn - Măng Đen được phê duyệt quy hoạch từ năm 2009, tuy nhiên đến nay chưa có nhà đầu tư triển khai thực hiện. Hiện tỉnh Kon Tum đang lập điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000). 

Để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đưa sân golf này vào Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời đổi tên thành “Sân Golf Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum” và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án sân golf vào Quy hoạch tỉnh và triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030

Ngoài ra, nhằm phát triển các loại hình dịch vụ, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh gắn với phát triển kinh tế xã hội thành phố Kon Tum theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa Dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum vào Danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020, trong đó, bao gồm hạng mục dự án xây dựng và kinh doanh sân golf.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết sẽ bổ sung quy hoạch sân golf của dự án Dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân Golf tại xã Đăk Rơ Wa tại thành phố Kon Tum vào Quy hoạch tỉnh và triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, dự án này có vị trí nằm trong quần thể “Khu đô thị - du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao”, thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Quy mô tổng diện tích đất khoảng 74,27 ha.

Dự án có vị trí phía Bắc giáp khu đô thị mới (khu A) theo quy hoạch phân khu; Phía Nam giáp Sông Đăk Bla; Phía Đông giáp khu đô thị mới (khu B) theo quy hoạch phân khu; Phía Tây giáp khu đô thị mới (khu A) theo quy hoạch phân khu.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch dự án hiện tại là đất canh tác nông nghiệp. Quy mô đầu tư xây dựng của dự án là sân Golf 18 lỗ. Tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng. Thời hạn triển khai dự án khoảng 36 tháng kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Thời hạn hoạt động trong khoảng 50 - 70 năm.Số lao động giải quyết việc làm của dự án dự kiến khoảng 100 người, chủ yếu là lao động tại địa phương. Hiện tỉnh Kon Tum đang lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) dự án này.

Đề xuất đầu tư 431 tỷ đồng nâng cấp 7,55 km Quốc lộ 14B

Quốc lộ 14B đoạn qua địa phận TP. Đà Nẵng có lý trình Km24+633 – Km32+185 sẽ được đầu tư mở rộng lên quy mô 4 làn xe bằng vốn đầu tư công.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét thẩm định và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua TP. Đà Nẵng.

Theo đó, đoạn Quốc lộ 14B thuộc Dự án có điểm đầu tại lý trình Km24+633, thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; điểm cuối tại lý trình Km32+185.09, thuộc địa phận xã Hoà Khương, huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng với tổng chiều dài khoảng 7,55 km. Dự án sẽ giữ nguyên hướng tuyến đi theo hướng tuyến đường Quốc lộ 14B hiện trạng.

Dự án sẽ nâng cấp, mở rộng 7,55 km Quốc lộ 14B đạt tiêu chuẩn đường ô tô cấp III - đồng bằng với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp rộng 20,5 m, để đạt vận tốc thiết kế 80 km/h.

Theo tính toán sơ bộ, Dự án có tổng mức đầu tư 430,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 248,9 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB là 101,7 tỷ đồng.

Dự án sẽ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nếu được thông qua, Dự án sẽ thực hiện đầu tư từ năm 2021 đến 2023; đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2024.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Quốc lộ 14B từ Km0 (cảng Tiên Sa, Tp. Đà Nẵng) đến Km73+365 (thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam) với chiều dài 73,365km là tuyến đường nối liền Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh và là tuyến ngắn nhất từ thành phố Đà Nẵng lên phía Bắc Tây Nguyên nói riêng và cũng là tuyến đường ngắn nhất từ tất cả các tỉnh, thành phố thuộc Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ ra Đà Nẵng.

Các tuyến đường này nối liền hai vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Liên Chiểu - Dung Quất và vùng kinh tế chiến lược Tây Nguyên, phục vụ các quy hoạch phát triển hiện tại và tương lai các mạng lưới giao thông khu vực cũng như cả nước, cùng với QL14B thuộc hành lang Đông - Tây nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực. Đây là tuyến đường ngang quan trọng nối liền 2 trục dọc: Quốc lộ 1A ở phía Đông và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 ở phía Tây;

Quốc lộ 14B qua địa bàn Đà Nẵng có chiều dài hơn 32Km (từ cảng Tiên Sa, Km0) đến Km32+185 (thuộc địa phận xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng). Trong đó, đoạn từ cảng Tiên Sa đến nút giao Túy Loan đã được nâng cấp, mở rộng quy mô 4 làn xe, tuy nhiên, đoạn 7,5km còn lại (từ Km24+633 đến Km32+185) mới chỉ có quy mô mặt đường 2 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

“Do vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn còn lại từ Km24+633 – Km32+185 lên quy mô 4 làn xe đáp ứng nhu cầu thông thương và kết nối vùng của tuyến đường cũng như nâng cao an toàn giao thông là rất cần thiết”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá.

Hải Dương thành lập 3 cụm công nghiệp mới quy mô với hơn 1.700 tỷ đồng

UBND tỉnh Hải Dương vừa có các quyết định thành lập 3 cụm công nghiệp (CCN) đa ngành trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hơn 1.741 tỷ đồng.

Theo đó, Hải Dương sẽ thành lập thêm 3 cụm công nghiệp là CCN Quang Trung (Quyết định số 1783/QĐ-UBND), CCN Thất Hùng (Quyết định số 1782/QĐ-UBND) và CCN Bình Giang 1 (Quyết định số 1781/QĐ-UBND).

Đây là các CCN đa ngành, bao gồm nông nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất truyền thống, thủ công mỹ nghệ; cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp hỗ trợ và những ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường thuộc danh mục sản phẩm hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh và Chính phủ ban hành; ưu tiên thu hút các ngành, nghề có tính liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp và thu hút, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.

Hai CCN Quang Trung và CCN Bình Giang 1 do Công ty CP bất động sản Hyosung Việt Nam làm chủ đầu tư. CCN Quang Trung có tổng diện tích 74,5 ha, thuộc xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạm tính khoảng trên 515 tỷ đồng. CCN Bình Giang 1 có tổng diện tích 75 ha, thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạm tính khoảng 470 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện của 2 CCN trên là 3 năm kể từ ngày ban hành quyết định.

CCN Thất Hùng sẽ do Công ty CP Tập đoàn Nhà Việt HD làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 60 ha, thuộc phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn. Tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạm tính là 756,541 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có các quyết định thành lập các CCN Toàn Thắng, huyện Gia Lộc có diện tích 75 ha, tổng vốn đầu tư 461,185 tỷ đồng; CCN Thăng Long, thị xã Kinh Môn, gần 50 ha, tổng vốn đầu tư 580,693 tỷ đồng. Tháng 10/2020, UBND tỉnh Hải Dương cũng có quyết định về việc bổ sung quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Cụ thể, huyện Thanh Hà bổ sung CCN Hồng Lạc (xã Hồng Lĩnh, quy mô khoảng 75 ha). Huyện Ninh Giang bổ sung 4 CCN là Hồng Đức (xã Hồng Đức, quy mô khoảng 74 ha), Hồng Phúc (xã Hồng Phúc, quy mô khoảng 64 ha), Quang Hưng (xã Tân Phong, quy mô khoảng 75 ha) và Tân Phong - Hưng Thái (xã Tân Phong và xã Hưng Long, quy mô khoảng 75 ha).

Ngoài ra, huyện Thanh Miện bổ sung hai CCN là Tứ Cường - Chi Lăng Bắc (xã Chi Lăng Bắc và xã Ngũ Hùng, quy mô khoảng 75 ha) và Đoàn Tùng 2 (xã Đoàn Tùng, quy mô khoảng 46,87 ha). Huyện Gia Lộc bổ sung hai CCN là Yết Kiêu (xã Yết Kiêu, xã Lê Lợi và thị trấn Gia Lộc với quy mô 70,2 ha) và Toàn Thắng (xã Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Hồng Hưng với quy mô khoảng 75 ha).

Tổng diện tích của cả 9 cụm công nghiệp là 630,07 ha.

Thực hư thông tin về dự án casino 6 tỷ USD tại Bình Định

Trên danh nghĩa Tập đoàn Hưng Thịnh chưa có bất kỳ sự liên lạc, buổi làm việc trực tiếp hay ký kết thỏa thuận nào với Tập đoàn SJM về dự án casino 6 tỷ USD tại Bình Định.

Trước thông tin gần đây về việc tập đoàn giải trí hàng đầu Ma Cao SJM Holdings Limited đề xuất tham gia vào phát triển dự án tổ hợp giải trí kết hợp casino tại dự án đang được phát triển bởi Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Trương Văn Việt, Phó chủ tịch Tập đoàn đã khẳng định cho đến nay, trên danh nghĩa Tập đoàn Hưng Thịnh chưa có bất kỳ sự liên lạc, buổi làm việc trực tiếp hay ký kết thỏa thuận nào với Tập đoàn SJM.

Ông Việt cũng cho biết thêm, tại Quy Nhơn, hiện tại Hưng Thịnh đang phát triển Dự án Hải Giang Merry Land Quy Nhơn.

“Với quy mô và tiềm năng lớn của dự án, hiện nay có rất nhiều đối tác lớn nước ngoài thông qua nhiều đầu mối liên hệ mong muốn hợp tác… và Tập đoàn Hưng Thịnh chúng tôi đang để mở các cơ hội hợp tác đầu tư tại Hải Giang Merry Land Quy Nhơn”, ông Trương Văn Việt cho biết.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngoài các đối tác nước ngoài có văn phòng ở Việt Nam mà Hưng Thịnh đã tiếp xúc, còn có các đối tác lớn khác đang chờ mở cửa các đường bay để có thể trực tiếp đến thăm và đàm phán hợp tác với mong muốn cùng Tập đoàn Hưng Thịnh hợp tác đầu tư tại dự án này.

Được biết, Dự án Hải Giang Marry Land Quy Nhơn là một tổ hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đạt đẳng cấp quốc tế được xây dựng trên tổng diện tích 623,7 ha. Hiện nay, Hưng Thịnh đang triển khai đồng bộ nhiều hạng mục lớn tại dự án.

Vào tháng 4/2021, SJM đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ mong muốn được hợp tác với một công ty của Việt Nam để xây dựng và vận hành tổ hợp trung tâm giải trí nghỉ dưỡng, tài chính, thương mại kết hợp casino tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.

Để đầu tư vào dự án này, SJM dự tính sẽ cần ít nhất 500 ha và số vốn đầu tư từ 5 đến 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, là nhà đầu tư và vận hành khu vui chơi giải trí và casino hàng đầu thế giới, do đó, SJM cũng bày tỏ điều quan trọng nhất là dự án này cần phải được cấp phép kinh doanh casino, một ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Việt Nam.

Vào tháng 5 năm nay, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về đề xuất xây dựng dự án Trung tâm du lịch kết hợp sòng bạc tại thành phố Quy Nhơn.

Văn bản nêu rõ, vào tháng 7/2020, Tập đoàn SJM Holdings Limited đã có thư gửi UBND tỉnh Bình Định, đề xuất hợp tác cùng với một công ty trong nước để xây dựng dự án tổ hợp trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng, tài chính, thương mại và sòng bạc tầm cỡ thế giới.

UBND tỉnh Bình Định sau đó đã có thư phúc đáp gửi SJM Holdings Limited, với cam kết hỗ trợ tập đoàn này từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đồng thời báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan để chỉ đạo giải quyết.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã giới thiệu địa điểm mà SJM Holding Limited có thể xem xét đầu tư, là dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land Quy Nhơn của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định và Tập đoàn SJM Holdings Limited vẫn thường xuyên trao đổi, kết nối để thảo luận về các giải pháp khảo sát thực tế, cũng như trao đổi, làm việc với các bên liên quan về kế hoạch hợp tác này. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phía nước ngoài chưa sắp xếp cử đoàn công tác sang Việt Nam để khảo sát thực tế tại Bình Định.

SJM Holdings Limited là chủ sở hữu, nhà điều hành và phát triển casino và khu nghỉ dưỡng giải trí tổng hợp hàng đầu ở Ma Cao. SJM sở hữu và vận hành khách sạn và casino Grand Lisboa, cũng như 18 casino khác nằm ở những vị trí đắc địa trên Bán đảo Ma Cao và đảo Taipa.

Quảng Nam loại 6 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch

UBND tỉnh Quảng Nam vừa cho biết, thực hiện thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các Dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương các chủ đầu tư dự án thủy điện, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, đang triển khai thi công được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện A Vương 5 và Sông Bung 3A yêu cầu thực hiện các cam kết; trường hợp không đảm bảo điều kiện, yêu cầu đầu tư thì tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, loại khỏi quy hoạch theo quy định.

Đáng chú ý, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện gồm: A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl, Đăk Pring 2.

Tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát kỹ các điều kiện, cơ sở pháp lý để thực hiện theo quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 3, khóa X để xem xét theo thẩm quyền.

Tính đến cuối năm 2020, quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 46 dự án đã được phê duyệt (từ năm 2007). Trong đó, 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, 8 dự án đang thi công xây dựng, 16 dự án đang trong giai đoạn đầu tư.

Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1128/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 6 tổ chức lập báo cáo đề xuất 2 chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; thời gian thực hiện là năm 2021.

Ban Quản lý dự án 6 được yêu cầu có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2020, Bộ GTVT đã từng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tách riêng Dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống đường sắt để đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo UBND TP Hà Nội  bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời Dự án xây dựng cầu Đuống đường bộ mới phục vụ giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1 cũ đảm bảo đồng bộ với Dự án cầu đường sắt.

Bộ GTVT dự kiến đầu tư khoảng 360 tỷ đồng để nâng nhịp thông thuyền cầu Đuống đảm bảo chuẩn tắc sông cấp 2 (tĩnh không 9,5 m, bề rộng 50m). Để tránh gián đoạn đường bộ trong thời gian nâng/hạ nhịp, cần xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m theo quy hoạch với chi phí khoảng 850 tỷ đồng.

Được biết, việc nghiên cứu xây dựng cầu Đuống nằm trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi. Dự án tuyến đường sắt này đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên trong bước nghiên cứu khả thi đoạn tuyến từ Hà Nội đến Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên (trong đó có Cầu Đuống) được phân kỳ đầu tư vào các giai đoạn sau của Dự án. Đồng thời, theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và căn cứ Luật Thủ đô năm 2012, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, UBND TP Hà Nội triển khai xây dựng cầu Đuống mới để đáp ứng nhu cầu giao thông trên Quốc lộ 1.

Ngoài phương án được đề xuất, Bộ GTVT cũng đã tính đến việc xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1.

Theo phương án này sẽ xây dựng cầu mới, tĩnh không cầu đảm bảo thông thuyền vừa đảm bảo phù hợp trắc dọc tuyến đường sắt trong tương lai nên phải đầu tư đồng bộ đường hai đầu cầu và một phần thuộc ga Yên Viên Bắc. Tổng mức đầu tư cầu đường sắt dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng (trong đó phần tuyến khoảng 300 tỷ đồng, cầu khoảng 500 tỷ đồng và ga khoảng 900 tỷ đồng). Xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m theo quy hoạch, cầu đường bộ dự kiến khoảng 850 tỷ đồng.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, vận tải thủy nội địa chủ yếu thông qua các Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống), Hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc) và Hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang từ cửa Lạch Giang qua sông Ninh Cơ, sông Hồng).

Hành lang đường thủy số 1 dài 250 km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp II cho tàu đến 800 tấn có thông số kỹ thuật phù hợp lợi dụng thủy triều để hành thủy. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, a pa tít, phân bón… từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp cảng đã khai thác thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối tới cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 TEU (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống, gây ùn ứ, tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

TP.HCM: Đề nghị đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi HĐND Thành phố về Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh

Cụ thể, UBND TP.HCM đề nghị HĐND Thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương về đầu tư Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh với chiều dài tuyến khoảng 6,92 km. Bao gồm đoạn 1 dài 4,36 km xây dựng mới đường song hành Quốc lộ 50 và đoạn 2 dài 2,56 km mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu; xây dựng mới cầu Bà Lớn, chiều dài 80 m, chiều rộng 34 m; xây dựng mới cầu Ông Thìn song song với cầu Ông Thìn hiện hữu, kết hợp gia cường cầu Ông Thìn hiện hữu với chiều dài 240 m, chiều rộng 25 m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.499 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 687,27 tỷ đồng, ngân sách Thành phố hơn 812,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã gửi HĐND Thành phố báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh.

Theo Sở Giao thông vận tải, dự án mở rộng quốc lộ 50 từ TP.HCM đến Tiền Giang đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2007. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP.HCM đầu tư dự án đoạn đi qua Thành phố.

Về tình hình giải phóng mặt bằng, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, công tác Giải phóng mặt bằng phạm vi dự án được tách thành tiểu dự án riêng. UBND Thành phố đã giao cho UBND huyện Bình Chánh tổ chức thực hiện từ năm 2007. Đến nay, Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đã nhận mặt bàn giao mặt bằng được 417/729 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức ảnh hưởng. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án sẽ tương đối thuận lợi và sớm hoàn thành.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, dự án Quốc lộ 50 là tuyến đường trục giao thông đối ngoại quan trọng của TPHCM kết nối với các tỉnh Long An và Tiền Giang. Đồng thời, đây là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn. 

Đường hiện hữu đang khai thác có mặt đường hẹp, các phương tiện tham gia giao thông như xe tải, xe chở rác, container lưu thông hỗn hợp với xe gắn máy, xe thô sơ, vì vậy tuyến đường thường xuyên ùn ứ đặc biệt tại giao lộ Quốc lộ 50 - đường Nguyễn Văn Linh và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Việc đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh góp phần nâng cao năng lực khai thác đường trục kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Tăng cường kết nối cho đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai, cũng như kết nối với sân bay Long Thành sau khi hoàn thành đưa vào khai thác; Phát huy hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào trung tâm Thành phố.

Nửa đầu năm, thu hút FDI đạt hơn 15 tỷ USD

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,27 tỷ USD.

Con số này chỉ bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xu hướng sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục.

Cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong nửa đầu năm, có 804 Dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về lượng dự án và tăng 13,2% về số vốn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, còn có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,12 tỷ USD, giảm 12,5% về số dự án và tăng 10,6% về số vốn so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 1.855 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 1,61 tỷ USD, giảm 55% về số lượng và giảm 54,3% về số vốn so với cùng kỳ.

Như vậy, trong khi số vốn đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng so với cùng kỳ, thì số vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục giảm mạnh.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục giảm là do xu hướng chung của năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới nói chung và cả Việt Nam.

Đặc thù của hình thức này là cần có sự tham gia trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số giao dịch M&A lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng ảnh hưởng đến việc giảm giá trị M&A trong 6 tháng đầu năm 2021.

“Mặc dù giảm cả về số lượt góp vốn, mua cổ phần cũng như giá trị vốn góp, xong mức độ giảm đang được cải thiện dần”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Trong khi đó, sự suy giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần được lý giải bằng các nguyên nhân như FDI toàn cầu giảm; dịch bệnh Covid tại các quốc gia đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,..) vẫn diễn biến phức tạp; các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển; nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh, tuy nhiên trong một số trường hợp ta không đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra…

Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký đang suy giảm, thì vốn đầu tư nước ngoài thực hiện vẫn ước đạt 9,24 tỷ USD trong 6 tháng qua, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là xu hướng tích cực.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD.

Nếu phân chia theo đối tác, thì Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…

TP.HCM chi gần 1.500 tỷ mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh

Kỳ họp thứ nhất, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra vào sáng nay (25/6) đã thông qua tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 50.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương khoảng 510,3 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Quốc lộ 50 là tuyến đường trục giao thông quan trọng của TP.HCM, kết nối với các tỉnh Long An và Tiền Giang. Đây cũng là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn.

Tuy nhiên, đường hiện hữu đang khai thác có mặt đường hẹp, các phương tiện tham gia giao thông như xe tải, xe chở rác, container lưu thông hỗn hợp với xe gắn máy, xe thô sơ, vì vậy tuyến đường thường xuyên ùn ứ đặc biệt tại giao lộ Quốc lộ 50 - đường Nguyễn Văn Linh và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Việc mở rộng quốc lộ 50 góp phần nâng cao năng lực khai thác đường trục kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, tăng cường kết nối cho đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai, cũng như kết nối với sân bay Long Thành sau khi hoàn thành đưa vào khai thác…

Tổng chiều dài dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn qua TP dài khoảng 6,92km. Dự án chia thành 2 đoạn: đoạn 1 dài 4,36km sẽ xây dựng đường song hành quốc lộ 50 và đoạn 2 dài 2,56km (2 làn xe) sẽ được mở rộng đường hiện hữu lên 34m. Trên tuyến sẽ xây dựng mới 2 cầu: cầu Bà Lớn dài 80m và cầu Ông Thìn dài 240m.

Được biết, quy hoạch mở rộng tuyến đường này có từ những năm 2007 tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Quyết định số 438/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2007 của Bộ Giao thông vận tải.

Năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xây dựng mở rộng Quốc lộ 50 đoạn qua tỉnh Long An và Tiền Giang dài hơn 32 km. Trong khi dự án mở rộng đoạn Quốc lộ 50 trên địa bàn TP.HCM đình trệ do chậm đền bù giải tỏa. Đến nay, huyện Bình Chánh đã giải tỏa được 417/729 trường hợp.

Đầu tư 1.500 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng

Quốc lộ 28B là trục giao thông theo hướng Đông – Tây ngắn nhất nối liền địa phận giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.

Theo đó, đoạn Quốc lộ 28 được chọn nâng cấp, mở rộng có điểm đầu tại Km0+00 giao Quốc lộ 1 tại Km1656+900, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (ngã ba Lương Sơn); điểm cuối tại Km68+1000 giao QL20 tại Km185+690, thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (ngã ba Tahine) với tổng chiều dài tuyến khoảng 69 km.

Hướng tuyến Dự án bám theo tuyến đường Quốc lộ 28B hiện trạng, cải tạo cục bộ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp đường và cải tạo các điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến. Quy mô đầu tư Dự án là sẽ nâng cấp tuyến đường hiện hữu đạt tiêu chuẩn đường ô tô cấp III, nền đường rộng từ 9 m – 12 m; vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h, riêng đoạn Km33+00–Km48+00 (qua đèo Đại Ninh) châm chước vận tốc thiết kế 40km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 1.500 tỷ đồng, dự kiến nguồn ngân sách Nhà nước (kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Nếu được thông qua, Dự án sẽ thực hiện đầu tư từ năm 2021 đến 2025.

Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, là trục giao thông theo hướng Đông – Tây ngắn nhất nối liền địa phận giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng (phía tây Quốc lộ 1), kết nối tuyến Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 20 và các đường liên huyện ĐT.724, ĐT. 729, phát triển kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên , vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia (thông qua cửa khẩu Buprăng và cửa khẩu Đăk Peur).

Đây cũng là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết các tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển “tam giác du lịch” Đà Lạt – Phan Thiết – Tp.HCM.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ tạo thuận lợi giảm chi phí vận doanh của hàng hóa, phát triển sảm xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời tăng cường năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu cho 2 nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, phát triển dịch vụ logistic, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.

Đầu tư tuyến tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, chia sẻ, giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 20, rút ngắn cự ly lưu thông giữa Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Hiện trạng, tuyến đường trước đây là đường chuyên dùng phục vụ thi công Nhà máy thủy điện Đại Ninh, hiện trạng mặt đường láng nhựa khá nhỏ hẹp (rộng 5,5m) được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu với quy mô đường cấp IV miền núi có châm chước.

Hiện nay, nền mặt đường đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, trên tuyến còn một số đường cong nằm bán kính nhỏ, nên việc vận chuyển hàng hóa container, xe chuyên dùng, vận chuyển hành khách không đảm bảo an toàn giao thông. Do đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường là hết sức cấp thiết.

TP.HCM chi gần 1.500 tỷ mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh
Kỳ họp thứ nhất, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra vào sáng nay (25/6) đã thông qua tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư dự án mở rộng quốc lộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư