Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, lo xử lý dự án BOT song hành
Nguyễn Lê - 22/05/2024 11:25
 
Chính thức trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án đầu tư khoảng 128,8 km, trong đó, tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km (bao gồm 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng (1.766,5 tỷ đồng bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 8.770 tỷ đồng bố trí từ  nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022); ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án này.

Về phương thức đầu tư, theo tờ trình của Chính phủ, Dự án đã có nhà đầu tư quan tâm đề xuất và có văn bản xin ý kiến thống nhất một số nội dung để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo phương thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra lo ngại, thực tế triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho Dự án, dẫn đến phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư.

Tác động của Dự án đến các dự án giao thông BOT song hành cũng là vấn đề được cơ quan thẩm tra đề cập.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có 2 dự án BOT song hành với Dự án là dự án BOT Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887, tỉnh Đắk Nông, nên việc đầu tư Dự án sẽ làm giảm doanh thu và thay đổi phương án tài chính dự kiến ban đầu của các dự án này, tuy nhiên Tờ trình số 215 chưa làm rõ mức độ ảnh hưởng của Dự án đến các dự án BOT này.

Thực tế, hiện nay có nhiều dự án BOT giao thông đang gặp khó khăn, vướng mắc do việc không tuân thủ hợp đồng, thay đổi chính sách ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất được giải pháp kịp thời, hữu hiệu để xử lý. Do đó, đề nghị cần bổ sung giải pháp cụ thể hơn đối với phương án xử lý các dự án giao thông BOT song hành để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và việc khai thác, vận hành về sau của Dự án, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Ủy ban Kinh tế nêu, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 25.540 tỷ đồng, được xác định trên cơ sở chi phí xây dựng tham khảo theo suất đầu tư  các công trình tương tự có quy mô, tính chất và điều kiện trong khu vực Dự án và so sánh với quy định có liên quan.

Đề nghị phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa của Dự án, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Về lãi suất vốn vay Dự án là 10,7%, ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ sự phù hợp lãi suất vốn vay với quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, việc tính toán phương án tài chính của Dự án được lập trên cơ sở xác định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo chặng của Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016. Do đó, có thể vượt quá khả năng chi trả của người tham gia giao thông tại khu vực này, làm giảm lưu lượng xe và ảnh hưởng đến phương án tài chính, tính khả thi, hiệu quả của Dự án, vì vậy đề nghị bổ sung làm rõ.

Đề xuất nguyên tắc, giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông
Đã xuất hiện những yêu cầu cao hơn liên quan đến các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư