Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư điện gió chưa thật hấp dẫn
Hải Hà - 01/12/2013 20:01
 
 Chính phủ đã có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về năng lượng gió, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại để việc phát triển nguồn năng lượng này thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Giá điện gió cao vì chi phí lớn
TIN LIÊN QUAN

Theo dự báo của Viện Năng lượng Việt Nam (Bộ Công thương), năm 2030, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng từ 108,7 TWh lên 695 TWh, gấp 6,4 lần so với nhu cầu năm 2011..

Từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để sản xuất điện. Dự báo, lượng than nhập khẩu của Việt Nam năm 2030 là 130 triệu tấn. Do đó, giá điện của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào giá năng lượng toàn cầu.

Đầu tư điện gió chưa thật hấp dẫn
Phát triển điện gió đang là hướng đi được đánh giá là khá khả quan

“Trong khi đó, phát triển điện gió đang là hướng đi được đánh giá là khá khả quan, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa là giải pháp thích ứng tốt nhất cho biến đổi khí hậu do giảm sự phụ thuộc vào thủy điện”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng sạch và Tái chế (Viện Năng lượng Việt Nam) khẳng định tại Hội thảo “Phát triển năng lượng điện gió tại các nền kinh tế APEC” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Để chuẩn bị cho tiến trình tập trung phát triện năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, Viện Năng lượng Việt Nam đã lập Dự thảo Kế hoạch Phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 trình Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu trong kế hoạch dự thảo này là phát triển năng lượng điện gió đạt 1.000 MW vào năm 2020 (1,5% tổng lượng điện) và 6.200 MW (4,5% tổng lượng điện) vào năm 2030.

Ông Cường cũng cho biết, Chính phủ đã có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về năng lượng gió, như yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm mua điện gió với hợp đồng kéo dài 20 năm chưa tính thời gian gia hạn. Giá mua điện là 7,8 UScents/Kwh (đã bao gồm thuế VAT), trong đó, EVN trả 6,8 UScents/Kwh và 1 UScent/Kwh được trích từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư khi nhập nguyên liệu, thiết bị, máy móc để sản xuất điện gió cũng được miễn thuế cùng các hỗ trợ khác.

Mặc dù vậy, ông Mark Tribble, Giám đốc chương trình năng lượng sạch Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, với mức bán giá điện gió 7,8 UScents/Kwh, Việt Nam không hấp dẫn nhà đầu tư. Con số này tại Philippines là 12-20 UScents/Kwh, Thái Lan và Indonesia là 18 UScent/Kwh.

Trong khi đó, các khoản tín dụng dành cho điện gió và năng lượng tái tạo từ các tổ chức quốc tế và tư nhân là khá lớn, nhưng theo ông Mark, doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận.

Ông Mark lấy dẫn chứng, việc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Mỹ cam kết cho Việt Nam vay 1 tỷ USD để phát triển điện gió tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng chỉ những dự án có quy mô lớn mới có cơ hội tiếp cận.

Với những cơ hội vay vốn từ các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, ông Mark cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam rất ngại thẩm định những nguồn vốn vay cho các dự án điện gió, bởi họ không muốn bị rủi ro.

Bên cạnh những thách thức về vốn, giá bán điện chưa hấp dẫn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, thách thức còn đến từ chính sách trợ cấp giá cho năng lượng hóa thạch, như sử dụng than sản xuất điện của Chính phủ. Do đó, giá điện hiện tại không phản ánh đủ chi phí môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, dữ liệu về gió chưa thực sự tin cậy, biểu hiện ở việc không có tổ chức quốc gia nào đứng ra thu thập và phân tích những yếu tố về năng lượng gió. Kế hoạch quốc gia và kế hoạch phát triển của các địa phương chưa đầy đủ, kèm với việc nhà cung ứng thiết bị phụ thuộc vào nước ngoài, trong khi đội ngũ nhân lực không đảm bảo cho bảo trì, vận hành cũng là những yếu tố khiến ngành điện gió không thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư