Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, 3 năm đã hồi vốn (phần 2)
Thanh Hương - 24/05/2014 13:05
 
Vào ngày 27/5 tới, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 sẽ tròn 20 năm vận hành. 20 năm vận hành, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã mang lại nhiều lợi ích không thể đong đếm bằng con số.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, 3 năm đã hồi vốn

Kỳ 2: Ruồi vàng, bọ chó, gió Đăk Glei

Trong số các địa hình mà đường dây 500 kV đi qua, đoạn qua đèo Lò Xo (Đăk Glei, Kon Tum) được xem là hiểm trở nhất trên toàn tuyến.

“Nhiều nơi không có đường, có đoạn chỉ đi bộ được, xe không thể vào. Núi thì cao, suối thì sâu mà rừng thì cực kỳ rậm rạp. Ấy thế mà anh em vẫn hàng ngày ra làm thực địa, ban đêm về lại chong đèn vẽ đến 2-3 giờ sáng. Nếu ai đã ở nơi đây thì đều biết câu “ruồi vàng, bọ chó, gió đắk glei” nổi tiếng ra sao”, ông Lê Như Đính, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn điện 4 – nơi được giao thiết kế tuyến đường dây qua khu vực này nhớ lại.

  Công trình gần 6.000 tỷ đồng, chưa đến 3 năm đã hồi vốn (kỳ 2)  
  Công nhân thi công trong mưa trên đỉnh đèo Lò Xo, phía sau là trực thăng chở Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên thăm công trường - Ảnh: Hồng Long (theo Tuổi trẻ)  

Chả thế mà Công ty Xây lắp điện 4 sau đó đã không dám nhận đoạn từ Đà Nẵng vào Kon Tum, có chiều dài hơn 200 km được giao vì quá khó.

Đảm nhận hộ đội bạn nên tuyến đường dây thi công lên tới hơn 600 km từ Hải Vân vào Kon Tum, ông Đậu Đức Khởi, Anh hùng lao động, nguyên Phó giám đốc Công ty Xây lắp 3 giờ vẫn còn rùng mình khi nhớ lại câu nói “ruồi vàng, bọ chó, gió đắk glei”.

“Đã có nhiều người khuyên tôi không nên nhận thi công thêm đoạn này là nghĩ cho tôi vì mới lập gia đình, con cái chưa có. Chỉ cần một cơn sốt rét rừng là toi đấy. Nhưng nhìn đi nhìn lại chả còn ai trẻ như mình, nên nhận”.

Bây giờ khi đường Hồ Chí Minh chạy qua đèo Lò Xo khiến cho nhiều đoạn đường dây đã mấp mé đường quốc lộ, nhưng hơn 20 năm về trước, để vào được vị trí móng cột nơi đây thì phải mở đường tới 20-30 km.

Đèo Lò Xo cũng như nhiều vị trí khác trên đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức nằm trên đoạn mà Công ty Xây lắp 3 đảm nhiệm thi công ở vào tình thế không thể dùng máy móc mà phải huy động người dân tộc, người các địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng. Cũng không ít lần trong cuộc họp giao ban tiến độ, Thủ tướng đều nhắc “đoạn qua đèo Lò Xo xong, cung đoạn của Công ty Xây lắp Điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Đường dây 500kV Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.487 km gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh thành gồm Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Long An, TP.HCM. Cũng có tới 521 km đường dây băng qua núi cao, rừng rậm.

“Mỗi móng cột cần tới 1.000 tấn gồm xi măng, cát sỏi, sắt thép để đúc. Vật tư phải chở từ Khâm Đức, Nam Giang (Quảng Nam) lên. Nhưng khu vực này có thể hôm nay còn là suối trơ đá, nhưng chỉ cần 1 trận mưa rừng ào về, lũ lên là có thể chia cắt cả chục ngày, rồi anh em lại ngồi chờ việc nếu không có vật tư chuẩn bị sẵn", ông Khởi nhớ lại.

Không ngồi chờ khó đến chân mới nhẩy, lãnh đạo Công ty Xây lắp 3 đã huy động tất cả các lực lượng trong khu vực để chở vật liệu khi trời còn nắng. Từ xe reo của dân khai thác rừng đến gùi gánh của bà con dân tộc. Thậm chí mẹ đi gùi vật liệu tiền công 30.000 đồng/ngày vẫn địu con trước ngực khiến cán bộ phải trả thêm 5.000 đồng/ngày cho phần của con chứ không chả có ai gùi. Cộng thêm được cơ chế đi đâu thấy tốt là lãnh đạo có thể thưởng nóng.

"Chỉ 100.000 đồng thôi, không nhiều, nhưng thưởng ngay tại vị trí móng vừa hoàn thành nên anh em rất mừng, tinh thần hăng say”, ông Khởi bồi hồi.

Hơn hai năm thi công cũng là thời kỳ gian khổ và khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân khi không ít nơi phải sống trong các lán trại, ở nhờ nhà dân, vật lộn với muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét rừng… Cũng đã có gần 300 người nằm xuống trong thời gian thi công công trình với nhiều lý do khác nhau như ốm đau, bệnh tật, chết đuối, đổ cột, sập hầm..

Nhưng với quyết tâm cao độ của những người tham gia xây dựng công trình, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong các vấn đề giải phóng mặt bằng, cung cấp nhân lực, vật lực và đảm bảo an toàn cho đường dây, công trình tiến về đích theo lời ước hẹn.

Sau hai năm hai tháng xây dựng thần tốc, đúng 19 giờ 7 phút 59 giây ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến.

3 năm hoàn vốn công trình gần 6.000 tỷ đồng

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long đã mang bài tính này ra khi cánh nhà báo nhất mực quan tâm tới tính kinh tế, hiệu quả của đầu tư đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 cách đây hơn 20 năm.

“Hồi đó, có 3 vấn đề được quan tâm khi xây dựng đường dây, đó là tính khả thi của khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và tính an toàn. Bỏ ra gần 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 là một vấn đề rất lớn đối với ngân sách nhà nước khi ấy”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long nhớ lại.

Tuy nhiên sau 3 năm vận hành, công trình đã hoàn vốn một cách nhanh nhất, đó chính là minh chứng cho quyết định đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì sự phát triển của ngành điện Việt Nam, cùng  sức lao động của hàng vạn con người khi tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp.

Công trình gần 6.000 tỷ đồng, chưa đến 3 năm đã hồi vốn (kỳ 2)

Bảo dưỡng tại trạm 500 kV Phú Lâm. Ảnh Quang Thắng

Mỗi kWh điện ở Hòa Bình ngày ấy giá thành sản xuất chả đáng bao nhiêu bởi đầu vào là nước trời và công trình được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, vận hành. Trong khi đó ở miền Nam, một kWh điện chạy dầu diesel để đáp ứng nhu cầu thiếu điện có giá khoảng 1.000 đồng. Bởi vậy với 6,5 tỷ kWh mà miền Nam nhận được ở trạm 500 kV Phú Lâm (TP. HCM) trong giai đoạn 1994-1997, để cung cấp cho khu vực miền Nam có trị giá tương đương 6.500 tỷ đồng, cao hơn hẳn số tiền đã bỏ ra để đầu tư xây dựng đường dây 500 kV mạch 1.

Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 cũng phát huy lập tức tác dụng trong toàn xã hội ngay sau khi đóng điện vận hành, giúp tình trạng cắt điện luân phiên tại TP.HCM chấm dứt. Tình hình cấp điện được ổn định đã góp phần đưa khu vực Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của đất nước những giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ đưa điện từ Bắc vào Nam, từ năm 1999, đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 lại làm nhiệm vụ truyền tải điện ngược từ Nam ra Bắc là chủ yếu.

Tính từ năm 1994 đến hết năm 2013, đường dây 500 kV đã tải 45,5 tỷ kWh điện từ Bắc vào Nam và tải ngược lại 8,3 tỷ kvWh điện từ Nam ra Bắc.

Khép mạch vòng đường dây 500 kV

Sau công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, ngành điện Việt Nam tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình đường dây 500kV như đường dây 500 kV Pleiku - Yali (hoàn thành tháng 5/2000), đường dây 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm (hoàn thành tháng 1/2004) đường dây 500 kV Pleiku - Phú Lâm mạch 2 (hoàn thành tháng 4/2004), đường dây Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín (hoàn thành tháng 9/2005). Như vậy đến tháng 9/2005, đường dây 500kV Bắc – Nam đã có hai mạch, nâng cao hơn độ tin cậy truyền tải điện năng giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, các công trình sau này không gây được tiếng vang lớn như đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 bởi hiệu quả không được xã hội nhìn thấy rõ như chuyện hết cắt điện luân phiên khi có đường dây 500 kV đầu tiên.

  Công trình gần 6.000 tỷ đồng, chưa đến 3 năm đã hồi vốn (kỳ 2)  
  Hết năm 2013, đường dây 500 kV đã tải 45,5 tỷ kWh điện từ Bắc vào Nam và tải ngược lại 8,3 tỷ kvWh điện từ Nam ra Bắc  

Dẫu vậy Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng như: 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình.

Đây là tiền đề để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước. Không những thế, lưới điện truyền tải đã đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV.

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẳng định, từ đường dây 500 kV mạch 1 làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước.

Đến nay, lưới điện truyền tải quốc gia do EVNNPT quản lý đã phát triển đến 61/63 tỉnh, thành, các trạm biến áp 500-220kV được xây dựng và đưa vào vận hành ở 57/63 tỉnh, thành.

EVNNPT cho biết, một tương lai không xa, vào năm 2015, lưới điện truyền tải sẽ đáp ứng các điều kiện được Tập đoàn Điên lực Việt Nam đặt ra là cung cấp ổn định và đủ điện cho nền kinh tế với sản lượng điện truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh/năm và đạt 265 - 275 tỷ kWh/năm vào năm 2020.

EVNNPT cũng đồng thời duy trì và phát triển hệ thống truyền tải liên kết với các nước láng giềng ở cấp điện áp 220-500kV. Hệ thống truyền tải quốc gia cũng hướng đến phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển lưới điện truyền tải.

Đây chính là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lỗ vẫn lo kéo điện về nông thôn Lỗ vẫn lo kéo điện về nông thôn

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), khi thực hiện đầu tư Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ lỗ 50 triệu USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư