Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư kinh doanh cà phê sách: Tìm cơ hội trong phân khúc hẹp
Thanh Nga - 21/03/2018 20:19
 
Dấn thân vào phân khúc khá hẹp, các thương hiệu cà phê sách khẳng định tên tuổi và thu hút khách hàng bằng việc đầu tư vào chất lượng đồ uống, chất lượng sách, tạo không gian độc đáo và phong cách riêng.

Định hình phong cách

Những năm gần đây, thị trường kinh doanh quán cà phê tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sôi động với hàng loạt tên tuổi lớn như The Coffee House, Urban Station, Trung Nguyen, Highlands Coffee, hay chuỗi thương hiệu quốc tế Starbucks, Gloria Jean’s Coffees, New York Dessert Café... Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của Gloria Jean’s Coffees, chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Australia, hay chuỗi cà phê và bánh ngọt New York Dessert Café đến từ Singapore, mà nguyên nhân thất bại được chỉ ra là do sự cạnh tranh quá khốc liệt trong ngành hàng này.

Trong bối cảnh ấy, việc Le Bros khai trương quán Đẹp Café tại Phố sách Hà Nội (đường 19/2, quận Hoàn Kiếm), nối tiếp quán Đẹp Café đầu tiên, ra đời vào đầu năm 2016 trên đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP.HCM, đã góp phần làm sinh động thêm mô hình quán cà phê sách tại Hà Nội, gần đây đang trở nên quen thuộc với những ai muốn tìm đến một thư viện thu nhỏ, để vừa có thể thả hồn vào những cuốn sách hay, vừa nhâm nhi thứ đồ uống được cả thế giới tôn vinh.

Quán cà phê sách thường mang phong cách riêng, từ tên gọi, đến bài trí và cách thức phục vụ.
Quán cà phê sách thường mang phong cách riêng, từ tên gọi, đến bài trí và cách thức phục vụ.

Là người yêu sách, anh Mai Văn Bình, một nhân viên văn phòng chia sẻ, anh biết rất nhiều địa chỉ quán cà phê sách tại Hà Nội. Anh cho biết, hiện trong thành phố có hơn chục quán cà phê sách khá nổi tiếng, nằm tại nhiều góc phố thơ mộng. Đó là, Café sách Đông Tây ở quận Đống Đa, Heritage Space ở quận Cầu Giấy, The Pride Hải Phát ở quận Hà Đông, Le Petit Cafe ở quận Hoàn Kiếm, Mạc Café ở quận Thanh Xuân, Book’n Coffee ở quận Hai Bà Trưng, Mộc Miên Coffee ở quận Tây Hồ, Tổ chim xanh ở quận Ba Đình… và gần đây nhất là sự góp mặt của Đẹp Café. Mỗi quán mang một phong cách riêng, hội tụ các yếu tố độc và lạ, từ tên gọi đến bài trí, cách thức phục vụ…

“Khách hàng đến quán không hẳn là để đọc sách, thưởng thức cà phê, mà còn để giao lưu, chia sẻ về những cuốn sách mới, hoặc cũng có khi, chỉ để chìm đắm trong thế giới suy tư”, anh Bình góp thêm.

Ông Lê Quốc Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Le Media, Giám đốc Sáng tạo Công ty Le Bros, người trực tiếp điều hành Đẹp Café cho biết, với tiêu chí trở thành địa chỉ thân thiết của độc giả, đồng thời, là cầu nối giữa người yêu sách và các nhà sách, phân khúc khách hàng mà Đẹp Café hướng tới không trùng với các thương hiệu kinh doanh quán cà phê khác.

Cùng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Le Petit Café (số 25, Xóm Hạ Hồi) được thiết kế theo phong cách cổ điển của nước Pháp với rất nhiều cuốn sách văn học từng được coi là sách “gối đầu giường”, có rất đông bạn trẻ tìm đến.  

Lê Thắm, “bà chủ” trẻ tuổi của Le Petit Café chia sẻ, quán được hình thành từ dự án khởi nghiệp của một nhóm sinh viên Đại học Ngoại thương, đạt giải nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2010. Trải qua nhiều lần thay đổi người quản lý, nhưng với menu đồ uống khá hấp dẫn, nhất là các loại trà kiểu Pháp, cộng với nguồn sách từ Dự án tủ sách cộng đồng do một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ và nguồn sách trao đổi từ các độc giả, Le Petit Café luôn giữ được tôn chỉ song hành việc kinh doanh đồ uống với sứ mệnh truyền cảm hứng, nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ và cộng đồng.

Không dễ cạnh tranh

Chủ quán Le Petit Café cho biết, khi tiếp nhận quán, tình hình kinh doanh gặp khá nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, Lê Thắm cùng các cộng sự đã và đang cố gắng vận hành, phát triển Le Petit Café theo đúng phong cách đã được định hình. Việc bổ sung trở lại món trà Pháp, đồ uống có công thức pha chế cầu kỳ và được yêu thích nhất tại đây đã giúp Le Petit Café duy trì được lượng khách ổn định.

Còn theo ông Lê Quốc Hưng, mô hình cà phê sách rất đặc thù, kén chọn đối tượng khách hàng, nhất là trong bối cảnh văn hoá đọc đang dần bị “lãng quên” như hiện nay. Thêm nữa, nếu đứng sau không phải là những đơn vị có tiềm lực tài chính, thì khó khăn mà các quán cà phê sách gặp phải sẽ không nhỏ, từ chi phí thuê mặt bằng, nhân viên phục vụ, đến công tác truyền thông... vốn được xem là lợi thế của các thương hiệu kinh doanh quán cà phê đã phát triển theo chuỗi.

Ông Hưng cho biết, Đẹp Café cũng như những các quán cà phê sách khác, đều không dễ khi lựa chọn dấn thân vào phân khúc kinh doanh khá hẹp, nhưng ông tin rằng, cộng đồng, nhất là giới trẻ đang quay lại với những giá trị bền vững, nên dù khó khăn, những người kinh doanh cà phê sách vẫn có niềm tin và khát khao đóng góp cho cộng đồng. 

Theo nghiên cứu thị trường Việt Nam của hãng Q&Me, không gian là yếu tố lớn nhất khiến các quán cà phê độc lập được yêu thích. Theo đó, cùng với việc đầu tư vào chất lượng đồ uống, chất lượng sách, các quán cà phê sách cần tạo được không gian độc đáo, phong cách riêng để thu hút khách hàng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Sách Huy Hoàng cho rằng: “Đã là cà phê sách thì phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng sách và nội dung văn hóa truyền tải đến độc giả. Làm được điều đó, các quán cà phê sách sẽ thu hút được lượng khách hàng trung thành và là một kênh đầu tư hiệu quả bởi ý nghĩa xã hội của nó”. 

Uống cà phê Starbucks thế nào cho đúng?
Bỏ ra hàng trăm nghìn đồng mua một ly cà phê Starbucks để thể hiện độ sang chảnh nhưng không phải người tiêu dùng Việt nào cũng biết cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư