Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư Quốc lộ 91, lập trạm thu phí cả phương tiện qua Quốc lộ 80 có hợp lý?
Huy Thịnh - 01/03/2017 10:12
 
Kể từ ngày 1/1/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang lập Trạm thu phí đường bộ số 2 gần ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) về hướng bến phà Vàm Cống và thu phí luôn cả các xe đi và đến tỉnh Kiên Giang theo Quốc lộ 80 giao cắt với Quốc lộ 91 khoảng 2 km.

Đi 2 km nộp phí bằng 50 km?

Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang là nhà đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp đoạn Quốc lộ 91 từ km 00 - km 50 (từ TP. Cần Thơ về tỉnh An Giang trên 50 km) theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) và chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 1/2017.

Theo đó, Trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 91 (Ngã ba Lộ Tẻ về hướng phà Vàm Cống) thu phí các phương tiện xe qua trạm này, mỗi lượt cụ thể như sau: xe khách trên 45 chỗ 75.000 đồng, xe trên 31 chỗ 50.000 đồng và xe ô tô nhỏ nhất là 35.000 đồng/chiếc. Riêng xe tải từ 2-4 tấn 50.000 đồng, từ 4 -10 tấn 75.000đ, 14- 18 tấn là trên 75.000 đồng...

.
.

Đại diện các hãng xe khách Kumho, Phương Trang, Tuyết Hon, nhà xe tải Minh Nhựt... cho biết, nhiều chủ phương tiện đi trên Quốc lộ 80 từ Kiên Giang - TP.HCM và ngược lại là phải qua Trạm thu phí Quốc lộ 91 gần Lộ Tẻ này. Bởi Trạm thu phí này đặt trên Quốc lộ 91 ở đoạn giữa từ ngã 3 Lộ Tẻ về đến bến phà Vàm Cống nối tiếp Quốc lộ 80 khoảng 2 km. Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc chỉ lưu thông khoảng 2 km trên Quốc lộ 91 về hướng bến phà Vàm Cống nối 2 đầu của Quốc lộ 80 mà bị thu phí bằng với cả đoạn 50 km trên Quốc lộ 91 và gần bằng với đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM là không hợp lý.

Các hãng xe khách đi tuyến Kiên Giang - TP.HCM cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp mình phải trả phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng qua Trạm thu phí nêu trên. Cụ thể, Hãng xe khách Phương Trang phải chi trả mỗi tháng trên 300 triệu đồng; Hãng xe khách Kumho với 15 chuyến/ngày cũng mất phí 67 triệu đồng/tháng và Hãng xe khách Tuyết Hon cũng chi phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng... Đó là chưa kể hàng chục ngàn lượt xe tải và ôtô các loại của Kiên Giang và các tỉnh đi tuyến TP.HCM - Kiên Giang và ngược lại buộc phải qua Trạm thu phí này.

"Trong khi đoạn Quốc lộ 80 từ Rạch Giá - ngã ba Lộ Tẻ khoảng 60 km đường nhỏ hẹp gồ ghề... xe đi mất trên 90 phút, nhưng khi tới Quốc lộ 91 đi được 2 km để qua phà đi tiếp trên Quốc lộ 80 đến TP.HCM thì phải nộp phí qua Trạm thu phí số 2 Quốc lộ 91 này. Với nộp phí như vậy, các hãng xe khách và xe tải chở hàng hoá sẽ phải tính chuyện tăng cước và giá vé, gián tiếp ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa ở Kiên Giang", ông Khưu Trọng Việt, Trưởng Chi nhánh Kiên Giang của xe khách Kumho nói.

Nhà đầu tư Quốc lộ 91 nói gì?

Trao đổi với với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn mới đây, ông Lê Vạn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, phương án và lập trạm thu phí này là do  Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính cho phép. Nhà đầu tư không tự quyết định được việc này. Ông Nam cho biết thêm, nhà nước cũng ưu tiên cho các chủ phương tiện qua trạm mua vé tháng để giảm chi phí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Việc các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 80 và chỉ đi trên Quốc lộ 91 khoảng 2 km nhưng do phải qua Trạm thu phí này nên phải chịu mức phí bằng với 50 km trên Quốc lộ 91, liệu có hợp lý không?", ông Nam cho rằng, vì đã đầu tư đoạn Quốc lộ 91 với trên 50 km từ Quốc lộ 91B đến tỉnh An Giang, nên bất cứ xe nào đi qua Trạm thu phí này là đã sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư và đều phải trả phí như nhau.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và được ông Nhịn cho biết, nhân dịp Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật làm về việc với UBND tỉnh Kiên Giang vào ngày 17/2 vừa qua, lãnh đạo tỉnh có nêu kiến nghị về việc xem xét lại vị trí đặt trạm này. Ông Nhịn cho biết, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã trả lời tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang là không thể tháo dỡ và di dời Trạm thu phí này được, vì đã đầu tư xây dựng Trạm thu phí gần Lộ Tẻ này rồi và phải thu phí chung. Chờ đến khi tuyến đường mới Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống khoảng hơn một năm nữa sẽ hoàn thành thì các xe chạy tuyến Kiên Giang - TP.HCM trên Quốc lộ 80 không đi qua Trạm thu phí này.

Như vậy, phải chăng doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phương tiện lưu thông ở Quốc lộ 80 sẽ phải chờ ngày cầu Vàm Cống khánh thành và đưa vào hoạt động thì mới thoát khỏi tình trạng bị thu phí bất hợp lý như đã nêu trên?

Doanh thu thu phí Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang không đạt so với phương án tài chính
Doanh thu thu phí thực tế tại Trạm thu phí Km152 +080, Quốc lộ 1 hoàn vốn cho Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang thấp hơn so...
Bình luận bài viết này
  • Bùi Thị Phương Trang 16:37 | 18-08-2017
    Dân miền tây hiền quá mà
Xem thêm trên Báo Đầu Tư