Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sai sót, hạn chế tại 27 dự án BOT: Bức thiết yêu cầu giám sát
Anh Minh - 28/02/2017 07:08
 
Các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) lại làm nóng dư luận xã hội sau những thông tin về sai sót, hạn chế tại 27 dự án loại này được Kiểm toán Nhà nước đưa ra.

Có thể thấy, sai sót trong lập dự toán, tổng mức đầu tư; xây dựng phương án tài chính; lạm dụng chỉ định thầu nhà đầu tư; áp dụng đơn giá định mức theo hướng có lợi cho nhà đầu tư là những lỗi phổ biến nhất tại các dự án BOT được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận.

Không những vậy, sự thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, kết quả các cơ sở tính phí, nhất là kết quả thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán, thực tế trước và sau khi dự án BOT đi vào hoạt động còn tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, cho sự lạm dụng vốn đầu tư. Thực tế trên đang làm nảy sinh những nghi ngại về độ chính xác, hợp lý của mức phí; thời gian thu phí, đối tượng thu phí tại các công trình BOT… .

.
.

Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết. Phần lớn dự án BOT được đầu tư trong những năm qua đã, đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Song các dự án BOT giao thông chỉ có ý nghĩa thực sự, phát huy vai trò tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông.

Chính vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT” là cơ hội để cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư đưa ra đánh giá khách quan, toàn diện về thành công không thể phủ nhận mà các dự án BOT hạ tầng giao thông mang lại trong 5 năm qua. Đó còn là dịp để nghiêm túc nhận diện những tồn tại đã ít nhiều làm biến dạng các dự án xã hội hóa dạng này.

Bên cạnh đối tượng giám sát (là một số bộ), đoàn giám sát chuyên đề sẽ trực tiếp giám sát, kiểm tra tại 14 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 - những dự án đang ít nhiều gây bức xúc dư luận. Việc tổng kết, đánh giá (dự kiến được đoàn Giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi tới đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017) sẽ giúp hoàn thiện cơ chế về các công trình BOT, BT, tránh những đổ vỡ đáng tiếc cho nhà đầu tư và cho toàn xã hội, đặc biệt là khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam tuyến phía Đông theo hình thức PPP giai đoạn I, trị giá gần 100.000 tỷ đồng đang bắt đầu gọi vốn.

Cùng với việc tiếp tục tìm ra giải pháp kéo giảm chi phí đầu tư, công khai, minh bạch thông tin... có lẽ phải sớm tổng rà soát, kiểm toán toàn bộ dự án BOT theo nguyên tắc: lợi ích thu được của đại đa số người tham gia giao thông phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Bất kỳ dự án nào đi ngược nguyên tắc này cần phải được xem xét lại, thậm chí thu hồi. Như vậy mới đảm bảo công bằng cho người sử dụng, tránh gây ra những bức xúc khi tiến hành kêu gọi, triển khai đầu tư vào các dự án BOT.

Doanh thu thu phí Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang không đạt so với phương án tài chính
Doanh thu thu phí thực tế tại Trạm thu phí Km152 +080, Quốc lộ 1 hoàn vốn cho Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang thấp hơn so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư