Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Đẩy lãi suất vào "vùng đau đớn" để chống lạm phát, liệu Fed có làm vậy?
Lê Quân - 26/04/2022 14:12
 
Ứng phó lạm phát tăng cao liên tục đòi hỏi phải đẩy lãi suất vào "vùng đau đớn", nhưng không phải ngân hàng trung ương nào cũng có đủ can đảm làm vậy, theo đại diện Tập đoàn Man Group.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trên đài CNBC hôm 25/4, ông Luke Ellis, Giám đốc điều hành Man Group, cho rằng: "Để thực sự chống lạm phát, một ngân hàng trung ương buộc phải cho thấy rằng họ sẵn sàng đẩy lãi suất vào vùng đau đớn".

Chuyên gia này nhận định, đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiệm vụ đó sẽ "tương đối dễ dàng" trong bối cảnh nước này ghi nhận cả tăng trưởng danh nghĩa và thực tế đều ở mức cao. Còn với Ngân hàng Trung ương châu Âu, đối mặt với tình hình tăng trưởng mờ nhạt, công việc chống lạm phát có phần khó khăn hơn.

Tuy vậy, ông Luke Ellis hoài nghi rằng, ngay cả Fed cũng sẽ không có đủ can đảm để mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, đặc biệt là khi các số liệu lạm phát toàn phần có dấu hiệu giảm dần và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11.

"Cá nhân tôi thực sự nghi ngờ khả năng Fed sẽ thực sự mạnh tay trong suốt năm nay để nâng lãi suất lên đủ cao và để lại tác động tiêu cực trong năm nay", Giám đốc điều hành Man Group nói.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 đã tăng 8,5%, mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua, nhưng lạm phát lõi giảm nhẹ đã gieo hy vọng rằng lạm phát của Mỹ có thể gần đạt đến đỉnh điểm. Theo đó, ông Ellis dự đoán lạm phát Mỹ có thể giảm xuống còn 5 - 6% vào cuối năm nay.

"Điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ kéo dài lâu hơn, có nghĩa là nỗi đau cuối cùng sẽ lớn hơn", ông Ellis nhận xét. "Nhưng vấn đề là liệu họ (Fed) có đủ lòng tin để thực sự tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát hay không", đại diện Man Group nói thêm. Do đó, chuyên gia này khuyên các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục đầu tư của họ để chuẩn bị cho một "quá trình thắt chặt chính sách kéo dài".

Dù lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ cho đến nay vẫn ghi nhận ở mức cao nhờ các công ty được hưởng lợi từ tăng trưởng danh nghĩa, nhưng thị trường đang đứng trước nguy cơ "tự mãn".

"Nếu bạn thấy một công ty có (cổ phiếu) được định giá tốt và có một số đòn bẩy, thì đây thực sự là một thời cơ khá tốt cho đến khi các ngân hàng trung ương ra quyết định ảnh hưởng đến điều đó", ông Ellis lưu ý.

Nhà quản lý đầu tư này cảnh báo, các cổ phiếu vốn đang chịu áp lực từ xu hướng cắt giảm chi phí tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 như Netflix, có thể sẽ phải trải qua một chặng đường đặc biệt gập ghềnh phía trước.

Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell phát biểu trong phiên thảo luận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 21/4 rằng việc kiềm chế lạm phát là "hoàn toàn cần thiết". Ông Jerome Powell cho biết phương án tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) đã "sẵn sàng" cho cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 5.

Đề xuất của Fed về việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản là phù hợp với kỳ vọng của thị trường, nhưng giới đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng và những nỗ lực của Fed nhằm áp lực giá cả sẽ trở thành lực cản tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Ông Daniel Morris, chiến lược gia thị trường cao cấp tại Quỹ quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management, cho rằng ngay cả khi quan điểm của Chủ tịch và các quan chức khác của Fed phù hợp kỳ vọng, thì thị trường sẽ vẫn đối diện với "lộ trình lãi suất tăng nhanh hơn nhiều so với những gì họ nghĩ 1 tuần, 1 tháng hoặc 3 tháng trước".

Fed dự tăng 50 điểm cơ bản lãi suất, lợi tức trái phiếu lập tức vọt lên 3%
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm đạt đỉnh 3% trong phiên giao dịch 22/4 sau khi Chủ tịch Fed đề xuất tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư