Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công để chống tham nhũng, rửa tiền
Thùy Vinh - 11/06/2019 16:26
 
Tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công được nhấn mạnh, nhằm tiến tới xã hội không tiền mặt.
.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội  thảo

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành đang tập trung triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 02/2019 của Chính phủ, Hội thảo với chủ đề “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức có ý nghĩa rất lớn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

"Chúng ta cần phải hướng tới xã hội không tiền mặt để được minh bạch mà lợi đôi đàng. Ngân hàng Nhà nước giảm được chi phí in tiền. Các doanh nghiệp, cơ quan công sở giảm được chi phí, ngân hàng giảm được sự vận chuyển tiền và cả xe chuyên dụng", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo Phó thủ tướng, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Do vậy, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong những năm gần đây, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Tại Việt Nam hiện nay, thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp; xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới.

Vì hành vi của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số trên thiết bị di động vào tất cả các dịch vụ trong xã hội.

Thực tế đã chứng minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành  thanh toán di động của Việt Nam đã tăng trưởng 160% về giá trị (năm 2018 so với năm 2017) và được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.

Để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 02, ông Huệ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ.

Song song đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.

Đối với ngân hàng, Phó thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế.

Các ngân hàng, cần đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, hoạt động của ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào tín dụng, hiện có ngân hàng phụ thuộc đến 100% vào tín dụng.

Nhưng trên thực tế, với những ngân hàng nhỏ muốn đẩy mạnh dịch vụ cũng không dễ, bởi quy mô còn nhỏ. Trong khi đó, có nhiều hoạt động dịch vụ gia tăng nguồn thu khác cần khai thác.

Do đó, cần phải đi bằng nhiều chân, không chỉ với tín dụng mà còn với cả dịch vụ. Phát triển, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng. Tỷ trọng doanh thu và tỷ trọng lợi nhuận của các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao sẽ được tăng lên.

Các Bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, có một thực tế là thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử.

Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.

Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi những lợi ích cơ bản như: Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn.Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt;…

Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.

Như vậy, có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.

Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng,.. Đây là điều mà các Cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ rất lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hằng năm, Bộ Y tế đều có chỉ đạo các đơn vị hạn chế sử dụng tiền mặt mà phải thực hiện việc quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định; trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên qua tài khoản.

Đánh giá tình hình thực hiện, thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, do tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, khoảng 87,72% dân số. Do đó, 70% tổng số thu dịch vụ sự nghiệp công của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phần thanh toán BHYT là chuyển khoản về tài khoản của đơn vị tại Kho bạc nhà nước. 

Hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế thực hiện Đề án nhờ Ngân hàng thu hộ tiền mặt hoặc chủ động chuyển tiền gửi Kho bạc nhà nước. Tuy nhiên, Đề án thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ mà mới chỉ có một số đơn vị lớn như Bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai. 

Tuy nhiên, có một số khó khăn là  nhiều người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ để thanh toán.

"Nhiều người người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, nhất là đối với những người dân ở khu vực nông thôn. Thậm chí, có nhiều người còn mang cả bao tiền vào bệnh viện để thanh toán. Trong khi đó, tình trạng trộm cắp lại luôn xảy ra nên rất nguy hiểm", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Vì thế, muốn đẩy mạnh tiền mặt đòi hỏi có sự phối hợp từ nhiều phía. Phía ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc mở tài khoản, thẻ ATM. Thực tế, không ít người dân chưa có tài khoản, thẻ ATM.

Do đó, có một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ.

Trên thực tế, để thực hiện được việc thanh toán dùng thẻ thì người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh.

Hiện tại, một số bệnh viện đã sử dụng thanh toán qua thẻ ATM, thẻ Visa mà người bệnh hoặc người nhà đã có sẵn. Hình thức này được người dân ủng hộ nhiều hơn.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, Bộ Y tế cho rằng cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng cần tích cực tham gia vào việc triển khai Đề án, cần trang bị các thiết bị phục vụ việc thanh toán được nhiều loại thẻ. Vì vậy, theo ông Sơn, cần đầu tư công nghệ tốt hơn, hạn chế các lỗi kết nối; thủ tục thực hiện cần đơn giản, dễ áp dụng.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, năm 2018, Cơ quan hải quan đã mạnh kết nối giữa các ngân hàng phối hợp để thực hiện thu thuế điện tử. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng vẫn chưa sẵn sàng từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị. Hiện còn 99% doanh nghiệp nộp thuế hải quan điện tử, trong đó có 90% nộp tại ngân hàng, còn 9% qua kho bạc, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tốt hơn nữa.

Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ ngành Hải Quan tiếp tục cải thiện rút ngắn thời gian thu thuế hải quan để hàng hóa có thể thông qua kịp thời, nhanh chóng. Phối hợp với 29 NHTM, trong đó có 23 NHTM kết nối với Hải Quan thu thuế hải quan điện tử 24/7.

Vì thế, cần có thêm số lượng ngân hàng tham gia thu thuế hải quan điện tử 24/7. Các ngân hàng có thể đã sẵn sàn trong việc kết nối thanh toán thu thuế điện tử. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng có nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà. Vì thế, để thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công phát triển mạnh hơn cần phải có sự chủ động cả từ phía ngân hàng và doanh nghiệp. 

Phát biểu tại hội thảo, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước mắt, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là: Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả một số Đề án, Chiến lược về lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 2545; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ;.

Triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết 01 và 02 năm 2019 của Chính phủ, như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatoty Sandbox); Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”;  báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng.

Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.

Visa hỗ trợ xây dựng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ những nỗ lực của Visa trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa hạn chế sử dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư