Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đẩy mạnh tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học trong nền kinh tế xanh
PV - 20/09/2022 08:10
 
Cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Việt Nam đang bước đi nhanh hơn trong tiến trình phát triển xanh bằng những hành động cụ thể.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển xanh

Ngay sau COP26 với cam kết mạnh mẽ, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Chính phủ đã có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đề ra đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính phủ xây dựng đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan…

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị COP 26 đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong khu vực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị COP 26 và Thỏa thuận khí hậu Glasgow, hoan nghênh điểm tiếp cận, các hành động nhanh chóng, toàn diện và nỗ lực của Việt Nam.

Bộ trưởng Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26 hoan nghênh các hành động và nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với thế giới, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển xanh mà ở đó cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi.  

Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng cũng như đẩy mạnh mô hình kinh doanh bền vững, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa, khi mà rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời.

Doanh nghiệp Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển xanh

Theo hãng tin AP, các doanh nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm đang chạy đua đầu tư hàng tỉ USD để mở rộng công suất sản xuất nhựa sinh học có nguồn gốc từ các nguyên liệu tự nhiên, có thể tái tạo và phân hủy sinh học.

Không thể phủ nhận, thị trường nhựa phân hủy sinh học trên thế giới đang rất sôi động, và chính phủ các nước cũng rất quan tâm đến sản phẩm tiềm năng này. Tại Việt Nam, tháng 12/2020, tiêu chuẩn TCVN 13114:2020 - tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam giúp xác định chính xác các chất dẻo có khả năng tạo compost và có khả năng phân huỷ hoàn toàn, đã được công bố. Việc thông qua bộ tiêu chuẩn này đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là một lĩnh vực đầu tư khá mạo hiểm, bởi lẽ, doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn vì giá thành sản phẩm nhựa phân hủy sinh học đắt hơn khá nhiều so với sản phẩm nhựa thông thường.

Theo ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA), nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự thấu hiểu của người tiêu dùng thì doanh nghiệp rất khó phát triển.

“Cần đảm bảo tính khả thi của “lộ trình” cấm đồ nhựa dùng 1 lần; cần có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường; đồng thời hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản phẩm xanh”, ông Long kiến nghị.

Được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nhựa sinh học, tháng 2 vừa qua, Tập đoàn An Phát Holdings đã động thổ Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Hải Phòng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với chất lượng vượt trội, tiêu chuẩn khép kín và dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất.

Thông qua dự án, Tập đoàn An Phát Holdings sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới. Nhờ tự chủ nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm xanh dự kiến sẽ giảm 20-30% khi nhà máy đi vào hoạt động.

Lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings cho biết: “An Phát Holdings sẽ đại diện cho Việt Nam ghi tên vào bản đồ nguyên liệu xanh toàn cầu đồng thời trở thành doanh nghiệp tiên phong thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam”.

Trước đó, từ năm 2015, An Phát Holdings đã sản xuất thành công dòng sản phẩm “xanh” AnEco. Mặc dù có mặt trên thị trường chưa lâu, nhưng AnEco đang dần khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trong phân khúc nhựa phân hủy sinh học, khi đạt được nhiều chứng nhận quốc tế về khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như: OK Compost HOME, OK Compost INDUSTRIAL, Seedling, BPI Compostable …

Chuỗi cửa hàng Soc&Brothers thay thế túi nilon thông thường bằng sản phẩm túi phân hủy sinh học

Được biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp kí thỏa thuận hợp tác đặt hàng An Phát Holdings sản xuất bao bì nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn như Vinamilk và Soc&Brothers.

Là chuỗi cửa hàng cho mẹ, bé và gia đình, nên Soc&Brothers luôn ưu tiên lựa chọn phân phối những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Do đó, đại diện Soc&Brothers khẳng định, việc thay thế toàn bộ túi nilon thông thường sang bao bì “xanh” là bước đi chiến lược góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao trải nghiệm mua sắm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng về sản phẩm vừa tiện lợi vừa thân thiện với môi trường.

Nếu đúng lộ trình đến năm 2030 sẽ cấm hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần, tức chỉ còn 8 năm nữa để người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi và cơ hội sẽ mở rộng hơn cho những doanh nghiệp tiên phong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư