Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đẩy mạnh “tính xanh” để nâng cao cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Hoài Sương - 26/05/2023 07:54
 
Để hàng hóa của doanh nghiệp Việt rộng đường xuất khẩu, hưởng những ưu đãi về thuế quan thì việc đầu tư vào sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường là yếu tố cốt lõi hiện nay.

Áp lực từ chính thị trường

Phát biểu tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết hướng tới xuất khẩu xanh” do Sở Công thương TP.HCM và Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức ngày 25/5, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trước sức ép của tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp doanh nghiệp Việt sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi.

Do đó, việc đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định mà còn giúp hàng hóa của Việt Nam rộng đường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi về thuế với các điểm cộng như: Sản xuất xanh, bền vững, thân thiện với môi trường…

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đưa ra ví dụ điển hình ở ngành dệt may. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu… Tuy nhiên, trong năm 2023, Bangladesh rất có thể sẽ lấy lại vị trí số 2 của Việt Nam nhờ áp dụng các tiêu chí bền vững.

Các chuyên gia kinh tế phân tích các hoạt động xuất khẩu xanh tại diễn đàn.
Các chuyên gia kinh tế phân tích các hoạt động xuất khẩu xanh tại diễn đàn.

Điều này có thể thấy, ở năm 2022 Bangladesh có 153 nhà máy đạt tiêu chuẩn Leed (giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), có 500 nhà máy hiện nay đang nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận này dựa trên 6 yếu tố chính như: Vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước… bền vững.

Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay.

Không những thế, đối với các mặt hàng từ cao su, cà phê… việc trồng trên đất phá rừng sẽ không được nhập vào EU. Nguyên nhân là do, luật mới này đảm bảo hàng

hóa đưa vào thị trường EU sẽ hạn chế nạn phá rừng và suy thoái rừng trên thế giới, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học.

Thế nhưng, theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, kế hoạch hành động của “Chiến lược Tăng trưởng xanh 2011-2020” chỉ đạt 3/12 mục tiêu đề ra, tác động lan tỏa thấp, chuyển động “xanh” của doanh nghiệp còn hạn chế. Từ đó, tỷ lệ sản phẩm “xanh” đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là ở các nước châu Âu, còn thấp, chỉ khoảng 5%.

Cơ sở hạ tầng hạn chế tính liên kết của “vùng xanh”

TP.HCM hiện là đầu mối giao thông, đầu mối logistics nối liền các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và là cửa ngõ quốc tế về đường biển, hàng không, thuỷ nội địa, đường bộ… Đây cũng là một trong những lợi thế được nhiều doanh nghiệp nhận định trong thúc đẩy tính liên kết của “vùng xanh” nhằm hướng đến xuất khẩu xanh.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Toản, đối với mặt hàng nông sản tại Việt Nam, chi phí logistics cho xuất khẩu trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Đặc biệt, kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập. Điển hình tại nhiều nơi thuộc khu vực ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.

doanh nghiệp mong muốn nâng cao cơ sở hạ tầng để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.
Doanh nghiệp mong muốn nâng cao cơ sở hạ tầng để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.

Một ví dụ tại Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, sau khi thu mua nông sản tại vườn, doanh nghiệp phải vận chuyển từ xe máy đến xe tải nhỏ, từ đó vận chuyển bằng xe tải lớn để đưa về nhà máy. Ngoài ra quá trình vận chuyển nhiều tuyến dẫn đến va đập, hao hụt nông sản của doanh nghiệp.

“Cũng vì vậy mà chi phí logistics của hàng hoá xuất khẩu chiếm 20 - 25% tại doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt đây còn là giai đoạn khó khăn về đơn hàng”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group chia sẻ.

Do đó, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, TP.HCM cần chủ động vai trò dẫn dắt và liên kết vùng trong chiến lược chuyển đổi xanh về nghiên cứu mô hình chuyển đổi cho từng ngành, hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh… Đặc

biệt, cần có sự liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư