Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Để dễ kiếm việc, sinh viên phải biết doanh nghiệp cần gì ở nhân lực trẻ
D.Ngân - 10/08/2022 20:03
 
Làm công việc gì, ở đâu, cơ hội thăng tiến ra sao là câu hỏi của các sinh viên khi rời khỏi cổng trường đại học.

Doanh nghiệp cần gì?

Mình sẽ làm gì, làm ở đâu, cơ hội thăng tiến ra sao là câu hỏi của các sinh viên khi dời khỏi cổng trường đại học. Theo ý kiến của một số chuyên gia việc làm, nhiều sinh viên hiện nay khi ra trường dễ ảo tưởng về sức mạnh bản thân, đồng thời choáng ngợp, lạc điệu trước các yêu cầu tuyển dụng. 

Sinh viên của trường Đại học Phenikaa đang thực hành tại phòng thí nghiệm.

Tại Hội thảo "Ngành nghề mới ở Việt Nam: Nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?" do trường Đại học Phenikaa tổ chức ngày 10/8, bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho rằng, lao động vừa tốt nghiệp ra trường thường thiếu nhất là sự trải nghiệm. 

Trải nghiệm ở đây được hiểu là quá trình thực tập ra sao, thực hành thế nào hoặc là các mối quan hệ khác ngoài học tập. Ngoài ra, quá trình tuyển dụng bà Lan nhận thấy lao động trẻ rất thiếu và yếu các kỹ năng. Đầu tiên là kỹ năng giao tiếp, tiếp đó là kỹ năng làm việc nhóm. 

Đặc biệt, là thiếu yếu kỹ năng phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây là hai kỹ năng lớn quan trọng, doanh nghiệp đánh giá cao ở ứng viên.

Còn với ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, cái thiếu lớn nhất lao động trẻ vừa tốt nghiệp chính là "thiếu sáng tạo, thiếu kỹ năng làm việc liên nhóm, liên ngành". 

Ông Hải khẳng định, doanh nghiệp có đủ những điều kiện để hỗ trợ lao động, nhưng nếu không có tính sáng tạo thì lao động đó rất khó thành công.

Vậy điều doanh nghiệp cần ở người lao động trẻ là gì? Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa nói rằng doanh nghiệp cần lao động có chất lượng, đáp ứng đủ 3 yếu tố: Kiến thức; Kỹ năng; Thái độ.

Về kiến thức, doanh nghiệp cần các bạn sinh viên được học trang bị kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đó và các bạn được đào tạo về kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, để ghi điểm thêm hoặc làm căn cứ lựa chọn, thì các nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến kỹ năng và thái độ của ứng viên.

Theo bà Phương, người biết lắng nghe, tìm cách phản biện và tập hợp được luận điểm phản biện sẽ tự học hỏi được rất nhiều từ chính quá trình đặt câu hỏi đó.

Ngoài ra, khi phân tích thái độ của các ứng viên, nhân viên thử việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận và đánh giá tinh thần ham học hỏi và sự nghiêm túc trong công việc.

Một ứng viên cẩn trọng khi chuẩn bị CV, nghiêm túc khi lựa chọn công việc, chỉn chu khi chuẩn bị phỏng vấn… sẽ cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và đặt ưu tiên cao vào vị trí mà bạn đó lựa chọn. Đấy là yếu tố “ghi điểm” rất cao với nhà tuyển dụng.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa cũng gợi ý các ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh trong thời gian tới là Marketing, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng…

Cùng đó, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về Điều dưỡng viên và người làm về Dược. Đây là những nhu cầu gia tăng dựa trên sự phát triển của xã hội. 

Ý kiến của ông Hoàng Hưng Hải thì cho rằng, ngoài 3 điều kiện bà Phương nêu ở trên, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự đam mê, yêu thích của lao động với công việc hiện tại. Bên cạnh đó, tính sáng tạo của lao động cũng là lợi thế, điểm cộng của lao động. 

Tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hoàng, Phó trưởng Khoa Công nghệ - Tthông tin, Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển đổi số Phenikaa (PDT) đưa ra những nhận định về thực trạng của ngành công nghệ - một ngành với nhiều vị trí công việc “hot” được các bạn trẻ yêu thích. 

Theo đó, khác với nhiều lĩnh vực khác, ngành công nghệ không hề “thừa thầy thiếu thợ” mà thực tế là thiếu cả “thày” lẫn “thợ”. Thực tế là công nghệ có tốc độ phát triển và thay đổi quá nhanh, vì nhiều lý do mà các trường đại học, cao đẳng rất khó cập nhật kiến thức - thậm chí không không thể theo kịp - để điều chỉnh, bổ sung vào chương trình đào tạo. Kéo theo đó là khó mời giáo viên, khó định dạng được những tiêu chí “đầu ra” cho sản phẩm đào tạo.

Tuy nhiên, cũng từ vị trí của người mang “2 vai” - đào tạo và tuyển nhân sự, ông Hoàng cho rằng, các bạn trẻ không nên đổ xô vào học công nghệ thông tin một cách vội vàng mà nên có sự cân nhắc, dựa trên thực lực và tố chất của chính mình, tránh tình trạng học 1-2 năm rồi lại tìm cách chuyển ngành vì không phù hợp, không yêu thích ngành nghề và công việc đó nữa. 

Chìa khóa thành công của sinh viên

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn không phải là học ngành gì, học thế nào, mà quan trọng hơn các bạn sinh viên cần chuẩn bị tâm thế, chọn thái độ học tập tích cực. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo sáng 10/8 tại Đại học Phenikaa.

Điều này đồng nghĩa với việc dù học ở ngành nào, nhưng nếu bạn có quá trình học tập tốt, có đủ kỹ năng, thái độ làm việc tích cực thì bạn vẫn có thể thích ứng với sự đổi thay của công việc trong bối cảnh thị trường việc làm thay đổi liên tục.  

Nếu chỉ chọn ngành hot mà bản thân cá nhân ấy sau khi ra trường không có kỹ năng, không có thái độ làm việc cầu tiến, không thể có sự thành công trong công việc.

Nói về xu thế chọn ngành nghề của thanh niên hiện nay PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng mỗi người có ước mơ riêng, nên khi chọn ngành, chọn nghề phải dựa trên sở thích, năng lực bản thân, sở trường, ngành mà xã hội đang cần, khi ấy mỗi người mới có cơ hội phát triển.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với cơ hội việc làm rộng thì thành công của mỗi người trong công việc không phụ thuộc hoàn toàn việc chọn nghề hot mà phụ thuộc vào thái độ và kỹ năng của mỗi người”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.

Không chỉ đưa ra lời khuyên cho thí sinh mà theo ông Khánh, mỗi nhà trường cũng cần phải tự nâng dần chất lượng đào tạo. Cụ thể tại Đại học Phenikaa, để nâng cao trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp Trường đã có những dự báo tổng quan về đào tạo - tuyển dụng dài hạn để làm căn cứ cho việc mở ngành học mới, tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ thực hành cho sinh viên.

Ngoài ra, trường đã sớm hình thành mô hình gắn kết giữa Nhà trường - Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp để tối ưu hóa lộ trình học tập - thực hành cho sinh viên; đào tạo theo “đặt hàng” doanh nghiệp. 

Hiện nay, 30-50% thời gian học tập của sinh viên Phenikaa là trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập tại gần 30 công ty thành viên của Tập đoàn Phenikaa và các công ty, doanh nghiệp đối tác của tập đoàn cũng như tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng trong Hệ sinh thái Phenikaa và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Phenikaa.

Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học Phenikaa hiện trường đang có đào tạo ngành Khoa học máy tính định hướng Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu.

Từ năm học 2022-2023, Trường cũng mở thêm một chương trình đào tạo tài năng mới về Khoa học máy tính định hướng Trí tuệ nhân tạo và Vận trù học. 

Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chuyên sâu kết hợp 2 lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sinh viên các ngành kiến trúc, xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê có tỷ lệ kiểm việc làm khá

Trường xác định để theo học các chương trình này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực ở mức khá, giỏi trở lên do đó mức điểm sàn nhận hồ sơ về cơ bản sẽ cao hơn các chương trình khác.

Trước đó, thông tin về bức tranh việc làm của sinh viên ra trường, theo ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm cung ứng nguồn lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%).

Điều đặc biệt là số lượng sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực đào tạo thuộc nhóm này rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến trên một nghìn sinh viên.

Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức khá (đạt tỷ lệ từ 75% đến 85%), gồm: Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức trung bình (từ 70 đến dưới 75%) bao gồm hầu hết các lĩnh vực còn lại của top 10 lĩnh vực có số sinh viên tốt nghiệp nhiều nhất như: Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (74,5%); Nhân văn (74,7%); Kỹ thuật (74,1%); Công nghệ kỹ thuật (73,4%); Máy tính và Công nghệ thông tin (73,6%).

Những lĩnh vực có tỷ lệ việc làm ở mức thấp (dưới 70%), bao gồm: Dịch vụ xã hội (56,3%); Môi trường và Bảo vệ môi trường (59,9%); Pháp luật (64,9%); Kinh doanh và Quản lý (68,8%); Khoa học xã hội và Hành vi (69,2%); Kinh doanh và Quản lý (68,8%).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư