Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp
Nguyên Vũ - 20/10/2020 15:24
 
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra.

Nhấn mạnh nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), là dấu hiệu gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, chiều 20/10, Quốc hội nghe các báo cáo về ngân sách, từ Chính phủ và từ cơ quan thẩm tra của Quốc hội.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngân sách giảm thu lớn, Chính phủ đề nghị chưa tăng lương và sẽ tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu, dự ước cả năm thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.

Ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán.

Theo Ủy ban thẩm tra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Chủ nhiệm Ủy  ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn. "Nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia" - ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo về tình hình nợ công gửi đến Quốc hội, Chính phủ dự báo không chỉ 2021 mà nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà có xu hướng tăng nhanh và có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm của giai đoạn tới.

Vấn đề này theo nhìn nhận của Chính phủ, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của NSNN, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Năm 2021 Chính phủ dự kiến bội chi NSNN khoảng 4% GDP điều chỉnh. Ông Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đề xuất bội chi khoảng 4% GDP là chấp nhận được. Có ý kiến đề nghị Chính phủ giữ mức bội chi NSNN dưới 4% GDP điều chỉnh (khoảng 3,9%) để kiểm soát chặt chẽ bội chi ngay từ năm đầu tiên của Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.

Về nợ công, báo cáo thẩm tra nhận định, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ lại xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép.

"Đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu NSNN của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu NSNN của năm 2021, sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau cao hơn năm trước, giảm mức an toàn tài chính quốc gia"- cơ quan thẩm tra cảnh báo. 

Không lo tăng nợ công, nhưng lo trả nợ
Năm nay, thu ngân sách nhà nước nhiều khả năng không đạt dự toán, trong khi phải tăng chi, giảm hàng loạt loại phí và lệ phí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư