Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề nghị nhân rộng mô hình đầu tư cảng thủy nội địa trong cảng biển
Anh Minh - 14/10/2021 17:04
 
Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá cao mô hình cảng thủy nội địa trong cảng biển được Tổng công ty Tân Cảng triển khai thành công tại Tân Cảng Cái Mép.
Một sà làn chở container cập cảng Tân Cảng - Cái Mép để bốc xếp. (Ảnh:
Một sà làn chở container cập cảng Tân Cảng - Cái Mép để bốc xếp. (Ảnh: TCIT).

“Đây là mô hình rất cần được nhân rộng để tăng tính kết nối giữa hai phương thức vận tải hàng hóa có nhiều lợi thế về chi phí là hàng hải và vận tải thủy nội địa. Tới đây, các cảng biển lớn cần bố trí những vị trí thuận lợi để xây dựng cảng thủy nội địa, thực hiện chức năng gom container từ sâu trong nội địa cho các tàu biển lớn và ngược lại”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistic đường thủy nội địa và vận tải ven biển được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam có nhiều ưu thế như chi phí thấp, khả năng chuyên chở lớn. Hiện hằng năm, đường thủy nội địa đảm nhận khoảng 19% lưu lượng hàng hóa cả nước, có nghĩa là cứ 5 tấn hàng trong lưu thông thì có 1 tấn được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, tỷ lệ đảm nhận về luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa cũng chiếm hơn 20%, trong đó ở vùng đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.

Tuy nhiên, đường thủy nội địa hoàn toàn có thể đảm nhận năng lực vận tải lớn hơn nếu làm tốt công tác kết nối với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với các cảng biển đầu mối.

Cụ thể, hiện có khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế và không đồng đều.

Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, tỷ lệ container vận chuyển bằng đường thủy nội địa mới chiếm khoảng 1,8%; khu vực cảng biển Tp. HCM đạt khoảng 11% nhưng tại khu vực cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu tỷ lệ này lại lên tới 72%. Trong khi đó, nếu thực hiện gom container từ các cơ sở sản xuất bằng đường thủy nội địa tới các cảng biển và ngược lại sẽ vừa giảm chi phí vận tải cho các chủ hàng, vừa giảm áp lực cho đường bộ.

Hiện tại Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng là đơn vị đi đầu trong việc bố trí các bến cảng thủy nội địa cho các sà lan chở container tại các cảng biển lớn, đặc biệt là tại khu vực Cái Mép; Cát Lái và Lạch Huyện.

“Vừa qua, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực GTVT, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ GTVT xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia. Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD”, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Theo tư lệnh ngành GTVT, hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thống nhất. Bộ GTVT cũng đã tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và đã trình lại để Thủ tướng xem xét phê duyệt. Quy hoạch được ban hành là cơ sở để đầu tư, phát triển đường thủy nội địa trong thời kỳ mới.

Để đẩy nhanh tiến trình container hóa vận tải thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các cơ chế ưu đãi để các nhà đầu tư có thể phát triển các bến cảng thủy với các thiết bị bốc xếp hiện đại kết hợp với các kho ngoại quan đồng bộ tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, thời gian tới đây, Bộ GTVT sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động vận tải pha sông biển.

Hiện vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa (phương tiện mang cấp VR-SB) còn tồn tại bất cập trong việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, như: quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chỉ quy định mạn khô của phương tiện đến 80m, định mức phao tròn cứu sinh đến phương tiện 50m, nhưng thực tế nhiều phương tiện VR-SB có kích thước lớn hơn; chưa được trang thiết bị thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển như  SART, AIS. SART; chưa có quy định về thực tập, diễn tập cứu sinh, cứu hỏa trên tàu; một số thuyền viên còn hạn chế về kỹ năng, trình độ tiếng Anh khi tránh va trên biển; định biên an toàn tối thiểu chưa phù hợp với tính chất công việc khi hoạt động trên biển…

“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu pha sông biển VR-SB. Các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm Việt Nam phải tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Hé lộ vốn đầu tư 19 dự án hạ tầng đường thủy, 41 tuyến cao tốc quốc gia
Đề xuất đầu tư 157.533 tỷ đồng cho 19 dự án hạ tầng đường thủy; Hé lộ kịch bản đầu tư 41 tuyến cao tốc quốc gia, với tổng vốn 735.340...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư