Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề nghị truy tố loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận liên quan dự án Tân Việt Phát
Huệ Nguyễn - 09/01/2023 21:15
 
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để truy tố loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về sai phạm tại Dự án Tân Việt Phát 2.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để truy tố các bị can là cựu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến các sai phạm đất đai tại dự án Tân Việt Phát 2 (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo đó, các bị can gồm Nguyễn Ngọc Hai; Lương Văn Hải (cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận); Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận); Ngô Hiếu Toàn (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận); Đặng Hoài Nhân (cựu Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Bình Thuận); Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (cựu Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận); Phạm Duy Cường (cựu Phó trưởng phòng Kinh tế đất, thuộc Chi cục Quản lý đất đai); Lê Anh Huy (cựu Trưởng phòng Kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai) và Nguyễn Thị Thu Phong (cựu Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, thuộc Sở TN&MT Bình Thuận).

Các bị can trên bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3, điều 219 Bộ luật Hình sự.

Các bị can (từ trái qua phải): Lê Anh Huy, Phạm Duy Cường; Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Nguyễn Văn Phong, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 360 Bộ luật Hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, Dự án Thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 nằm trên ba lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B có tổng diện tích 9,26 ha do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Dự án có quy hoạch xây dựng 1,5 ha đất thương mại dịch vụ, 4,6 ha đất ở, diện tích còn lại là đất công cộng dùng chung.

Các lô đất trên được địa phương phê duyệt phương án đấu giá giao quyền sử dụng đất, với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (giá năm 2013). Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng đấu giá tự bỏ toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh, bên trong phạm vi dự án.

Tuy nhiên, địa phương cho rằng, không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá các lô đất này mặc dù đã nhiều lần đưa ra thông báo, kéo dài từ năm 2013 - 2015.

Trong lúc các sở ngành của địa phương dự kiến làm lại giá theo hướng giảm giá để đấu giá thì đến tháng 1/2017, Công ty cổ phần Tân Việt Phát xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua đấu giá đối với 3 lô đất trên.

Tháng 3/2017, ông Lương Văn Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định thu hồi toàn bộ diện tích các lô đất trên do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, đồng thời cho Công ty cổ phần Tân Việt Phát thuê lô số 18 với thời hạn 50 năm. Còn các lô 19 và 20 được giao cho công ty này với mục đích đất ở kết hợp thương mại.

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất do “Công ty CP Tân Việt Phát là nhà đầu tư duy nhất đăng ký đấu giá 3 lô đất trên. Giá đất thực hiện giao 3 lô đất này theo quyết định số 2423 (ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh) với giá 1,2 triệu đồng/m2”.

Theo cơ quan CSĐT, việc làm trên của cựu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư