Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Đề phòng tác động kép của tổng mức bán lẻ
Minh Nhung - 05/03/2013 12:00
 
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) được nhận diện trên 3 mặt: quy mô tuyệt đối, tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước và cơ cấu theo ngành.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Về quy mô tuyệt đối, TMBL trong 2 tháng đầu năm ước đạt 422.200 tỷ đồng, bình quân 2,37 triệu đồng/người/tháng. Đối với một số nhóm hộ có thu nhập thấp, như nhóm 1 và nhóm 2 (các nhóm có mức thu nhập thấp nhất), đây là mức quá cao, nhưng đối với một số nhóm hộ có thu nhập khá và cao (nhóm 4 và nhóm 5), thì đó lại là mức thấp. Thực tế, đây là con số khá thấp, bởi tháng 2 là tháng có Tết cổ truyền, nên nhu cầu tiêu dùng thường cao hơn các tháng khác trong năm.

Xét về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, các con số ở biểu đồ trên được tính theo giá thực tế. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 7,04%), thì chỉ tăng 3,6%. Đây là tốc độ tăng thấp thông qua việc so sánh trên hai mặt. Một mặt, đó là con số thấp hơn tốc độ tăng 4,4% của cùng kỳ năm trước và còn thấp xa hơn nữa so với tốc độ tăng trong cả năm trước (6,2%). Mặt khác, tốc độ tăng TMBL của cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ tăng GDP, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng, nhưng đầu năm nay, con số này xem ra tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP. Đây là một cảnh báo quan trọng, bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm trước, trong khi TMBL là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng thấp hơn của cùng kỳ năm trước của TMBL trong 2 tháng đầu năm nay cũng là một trong những yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát (2 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI chỉ là 2,59%, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm), góp phần đưa xuất siêu lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Còn về cơ cấu, trong 4 ngành tạo ra TMBL, thì ngành thương nghiệp tuy tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (tăng 10,4% so với tăng 10,9%), nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 77,7%). Điều đó chứng tỏ, trong điều kiện người tiêu dùng mang tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”, thì vẫn tập trung nhiều nhất cho thương nghiệp hàng hoá.

Ngành khách sạn - nhà hàng, tuy có tốc độ tăng cao hơn (tăng 13%), nhưng mới chiếm 11,6%. Ngành dịch vụ tuy cũng tăng cao hơn (tăng 14,5%), nhưng mới chiếm 9,9%. Riêng ngành du lịch vừa chiếm tỷ trọng thấp nhất (giảm 0,9%), vừa bị giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 4,4%). Trong ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 1.213.100 lượt khách, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

TMBL có tác động kép, vừa là động lực tăng trưởng kinh tế, vừa là yếu tố của lạm phát và nhập siêu. Cụ thể, TMBL tăng trưởng cao là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng làm nhập siêu và lạm phát tăng lên. Ngược lại, TMBL tăng trưởng thấp sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, song góp phần giữ nhập siêu và lạm phát ở mức thấp. Do vậy, việc điều hành lĩnh vực này cần quan tâm đến tác động kép đó. Một mặt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công theo chỉ tiêu kế hoạch, tăng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường để tăng trưởng cao hơn, tái cơ cấu, thực hiện 3 đột phá chiến lược... Mặt khác, vẫn phải kiên định, nhất quán với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư