Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Để văn hóa trở thành đòn bẩy phát triển du lịch
Linh Nguyễn - 14/04/2024 11:31
 
Sự liên kết giữa du lịch và văn hóa là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch và bảo tồn văn hóa.
Ảnh minh họa
Việc phát huy giá trị văn hóa trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một điểm đến du lịch.   Ảnh; Chí Cường

Gắn bó với Việt Nam trong một khoảng thời gian khá dài, ông Giorgio Aliberti, cựu Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam chia sẻ: “Ấn tượng của tôi về Việt Nam là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đậm đà bản sắc. Điều đó làm nên một đất nước Việt Nam diệu kỳ”. Ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh, văn hóa sẽ là trụ cột chính để phát triển du lịch.

Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng với gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, hơn 59.000 di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều hệ thống di sản văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, thị trường văn hóa dần hình thành và phát triển. Nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ văn hóa mới được tìm tòi, thử nghiệm, trình diễn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, có chiều sâu của các tầng lớp nhân dân và bắt đầu vươn ra thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh gay gắt và người tiêu dùng đòi hỏi cao về trải nghiệm, việc phát huy giá trị văn hóa trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một điểm đến du lịch.

TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục (Văn phòng Quốc hội) cho biết, hiện nay, phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa. Khách du lịch ở các quốc gia phát triển thường lựa chọn đi du lịch nước ngoài vào những dịp diễn ra lễ hội ở các điểm đến. Bởi thế, thu hút khách du lịch tham gia du lịch văn hóa tức là tạo ra dòng chảy mới và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

“Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, phần lớn họ không dựa vào đầu tư để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc”, TS. Đoàn Mạnh Cương thông tin.

Các quốc gia trên thế giới thường khai thác các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, thể thao, giải trí... để phát triển du lịch. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa nghệ thuật và du lịch đã làm cho những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trở thành thương hiệu vượt ra khỏi tầm địa phương, quốc gia.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, trước đây, du lịch được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí, tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương. Đến cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1980 trở đi, quan hệ văn hóa - du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức rất thành công những sự kiện tạo được tiếng vang lớn đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế, như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội trái cây Nam bộ...

Cùng với đó, các giá trị nghệ thuật cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, như chương trình thực cảnh Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc bộ... Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề cũng đang trở thành một trong những sự lựa chọn ưu tiên của khách quốc tế khi đến Việt Nam.

“Văn hóa là một phần không thể tách rời của mỗi quốc gia và việc bảo tồn không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

Sẽ quảng bá du lịch Việt Nam tới các nhà sản xuất phim Hollywood
Một trong những điểm nhấn của kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam năm 2024 là mời gọi các nhà sản xuất phim Hollywood đến Việt Nam làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư