Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi siêu cảng Trần Đề
Bảo Như - 19/05/2023 08:47
 
UBND tỉnh Sóc Trăng muốn triển khai sớm việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến, kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.
Phối cảnh cảng Trần Đề.
Phối cảnh cảng Trần Đề.

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Bộ GTVT về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.

Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức PPP, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc Cơ quan nhà nước đề xuất dự án.

UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo Bộ Luật hàng hải Việt Nam, lĩnh vực cảng biển thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan Trung ương.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến đầu tư triển khai cảng biển góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ, thống nhất để UBND tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề có quy mô cảng đặc biệt, là cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị làm cơ sở trình cấp thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm được làm chủ đầu tư Cảng biển Trần Đề theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, khu bến Trần Đề phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.

“Như vậy, thực hiện xã hội hóa Cảng biển Trần Đề theo phương thức PPP nhưng do cơ quan nhà nước đề xuất dự án, phải bố trí ngân sách để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở phân cấp cho địa phương quản lý (nếu có) hoặc có sự thống nhất của Bộ GTVGT, Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Theo quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đổng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư