Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án quan trọng quốc gia tại Khánh Hoà
Nguyễn Lê - 14/04/2023 14:38
 
Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng.
.
Phiên họp chiều 14/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường ĐT.707,  xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo tờ trình, Dự án thuộc loại quan trọng Quốc gia do có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 75,58 ha đất rừng, trong đó có 59,95 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng .

Về phạm vi, Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại km 16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, tỉnh Ninh Thuận.

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đầu tư 56,9 km đường cấp III miền núi , đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74 km, mở mới 37,16 km. Trong đó, đoạn giữa làm mới với chiều dài 30,25 km đi qua khu vực địa hình khó khăn, độ dốc cao, áp dụng vận tốc thiết kế Vtk =40Km/h để hạn chế đào sâu, đắp cao, giảm tác động đến môi trường, giảm diện tích chiếm dụng đất rừng.

Sơ bộ tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 128,96 ha, trong đó: đất nông nghiệp 37,18 ha; đất ở khoảng 7,26 ha; đất rừng 75,58 ha, đất khác khoảng 8,95 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 211 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11 hộ.

Diện tích chiếm dụng đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng với tổng diện tích khoảng 75,58 ha, trong đó: huyện Khánh Vĩnh khoảng 40,37 ha, huyện Khánh Sơn khoảng 35,21 ha.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, phân chia thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Dự án thành phần xây lắp.

Sơ bộ tổng mức đầu tư: khoảng 1.929,882 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 101,97 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 1.464,318 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 95,181 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 249,52 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế: 18,893 tỷ đồng.

Phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn được Chính phủ trình là từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng: 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2021 - 2025 là 121,994 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là  808,006 tỷ đồng.

Dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Đề xuất cơ chế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Trong thời gian qua, đã có một số dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Khánh Hòa đôn đốc tiến độ 6 dự án, công trình trọng điểm
6 dự án, công trình trọng điểm được tỉnh Khánh Hòa "đặt gạch" tiến độ đối với từng chủ đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư