Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất đầu tư 208 triệu USD xây tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Anh Minh - 28/05/2021 09:10
 
Tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có chiều dài 26 km là một trong những phân đoạn quan trọng của đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đất Mũi.
Sơ đồ tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - Nguồn: Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long.
Sơ đồ tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - Nguồn: Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa đề nghị Bộ GTVT thẩm định và xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có điểm đầu đoạn tuyến tại nút giao với tuyến N2 (Km0+00 lý trình tuyến), thuộc thị trấn Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối đoạn tuyến tại nút giao An Bình huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Km26+164 lý trình tuyển) với tổng chiều dài đoạn tuyến là 26,164 km. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. 

Tổng mức đầu tư Dự án là 4.833,36 tỷ đồng, tương đương 208,3 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm, từ năm 2022 đến năm 2026.

Được biết, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đất Mũi với chiều dài 512 kmđã được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 và Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội. 

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đất Mũi, cùng với các tuyến N1, cao tốc TP.HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1 và các tuyến Quốc lộ giáp biển Đông tạo thành 5 trục dọc quan trọng của khu vực. Đây là tuyến giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng nối liền từ Tp.HCM và các tỉnh Tây Nguyên như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau. 

Hiện nay các đoạn tuyến Chơn Thành - Đức Hòa, Củ Chi – Đức Hoà, Đức Hòa - Thanh Hóa, Thạnh Hóa - Mỹ An, Cao Lãnh - Lộ Tẻ (cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên), và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài khoảng 293,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 42.432 tỷ đồng đã và đang được triển khai xây dựng, dự kiến đến trước năm 2021 sẽ hoàn thành.

Riêng đoạn tuyến Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài 26 km, chiếm tỷ trọng khoảng 9% về chiều dài hiện chưa được đầu tư xây dựng. Chính vì thế đã tạo “điểm nghẽn” trong giao thông vận tải của tuyến cũng như khu vực. 

Hiện tại, để kết nối với cầu Cao Lãnh, tuyến phải đi qua thị trấn Mỹ An theo đường Hồ Chí Minh qua ngã ba Đường Thét ra Quốc lộ 30 tại ngã ba Ông Bầu (Km27+930), sau đó rẽ phải qua thị trấn Mỹ Thọ, đi về phía cầu Rạch Dầu (Km30+961) để lên cầu Cao Lãnh tại nút giao Đình Trung của QL30.

Việc phải đi vòng qua 2 thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) và Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với chiều dài lớn, quy mô mặt cắt ngang nhỏ, dân cư tập trung đông đúc 2 bên tuyến đã làm giảm tốc độ khai thác, tăng thời gian di chuyển, tiểm ẩn nhiều rủi ro về ùn tắc và tai nạn giao thông của các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hướng đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. 

Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh là hết sức cần thiết để kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Cà Mau cũng như cao tốc Chơn Thành - Rạch Giá (Rạch Sỏi – Kiên Giang), phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển của giao thông khu vực. Dự án sẽ góp phần thu hút lưu lượng giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, kết nối giao thông với các trục dọc – ngang và nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời tuyến đường còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện an toàn giao thông trong khu vực Dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư