Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 07 năm 2024,
Đề xuất làm nhà máy sợi gai 51 triệu USD; Thông xe cầu Bến Rừng hơn 1.940 tỷ đồng
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 20/07/2024 09:41
 
Capital Holding đề xuất đầu tư dự án nhà máy sợi gai 51 triệu USD tại Thái Bình; Thông xe cầu Bến Rừng hơn 1.940 tỷ đồng nối Hải Phòng - Quảng Ninh… Đó là hai trong số những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất đầu tư 1.750 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần 1 – Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới tại xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình.

Phối cảnh Nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Phối cảnh Nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới.

Đây là công trình giao thông cấp I thuộc dự án nhóm B có thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế là 100 năm với người quyết định đầu tư là HĐQT ACV.

Theo đó, nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới sẽ được thiết kế với công suất 3 triệu hành khách/năm (tương ứng với 1.200 hành khách/giờ cao điểm) và có định hướng phương án mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu (sau năm 2030).

Nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới được thiết kế với quy mô 2 tầng nổi kết hợp tầng lửng với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ga là 17.567 m2, được kết nói với vị trí sân đỗ máy bay gồm 3 lối đi bằng cầu ống dẫn khách code C và 1 lối đi bằng xe cobus. Theo thiết kế sơ bộ, nha ga sẽ có 24 quầy làm thủ tục, ký gửi hành lý truyền thống, 2 băng chuyền bốc dỡ hành lý đi và 3 băng chuyền trả hành lý đến.

Ngoài công trình nhà ga, Dự án thành phần 1 – Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới  còn xây dựng các hạng mục phụ trợ đồng bộ gồm hệ thống điện nước; cứu hoả; xử lý nước thải, tập kết chất thải rắn; nhà để xe máy, ô tô; căn tin; trạm thu phí; hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe; đường trục tiếp cận vào nhà ga…

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án thành phần 1 – Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới có tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 45 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.073 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 387 tỷ đồng…

Đại diện ACV cho biết, công trình dự kiến khởi công vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2026. Khi hoàn thành công trình sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và đảm bảo TTATGT cho địa phương.

Được biết, nhà ga hành khách Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu có công suất thiết kế khoảng 500.000 hành khách/năm. Năm 2022, Cảng hàng không Đồng Hới đã tiếp nhận và phục vụ khoảng 718.000 hành khách; năm 2023, sản lượng hành khách thông qua Cảng đạt khoảng trên 750.000 hành khách.

Tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách thông qua Cảng hàng không Đồng Hới trong những năm gần đây ở mức cao hơn so với trung bình của hệ thống cảng hàng không Việt Nam. Như vậy, hiện tại nhà ga hành khách của Cảng hàng không Đồng Hới đang khai thác vượt công suất thiết kế, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh an toàn trong quá trình khai thác.

Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới tại Cảng hàng không Đồng Hới là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại Cảng hàng không Đồng Hới trong thời gian tới và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác của Cảng.

Đề xuất đầu tư Cảng hàng không Vân Phong theo phương thức PPP, vốn 7.900 tỷ đồng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam về Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vị trí Cảng hàng không Vân Phong được nghiên cứu tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 65km về phía Nam, cách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khoảng 101 km về phía Nam, cách Cảng hàng không Tuy Hòa khoảng 49km về phía Bắc. 

Tổng diện tích đất quy hoạch khoảng hơn 497 ha. Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.

Giai đoạn đầu, Cảng hàng không Vân Phong sẽ được đầu tư quy mô công suất là 1,5 triệu hành khách/năm, theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I.

UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng 3 phương án đầu tư Cảng hàng không Vân Phong theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Phương án 1, nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời. Nhà đầu tư PPP đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Phương án 2, nhà đầu tư PPP đầu tư một số công trình thiết yếu gồm xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư các hạng mục còn lại, gồm san nền sân bay; xây dựng đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn; xây dựng các công trình đảm bảo hoạt động bay.

Phương án 3, nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) thực hiện công tác hỗ trợ di dời; đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.

Nhà đầu tư PPP đầu tư các hạng mục còn lại, gồm san nền khu hàng không dân dụng; xây dựng khu bay, khu hàng không dân dụng; hệ thống giao thông kết nối. Tuy nhiên, phương án 3 được đề xuất nghiên cứu thực hiện, vì theo UBND tỉnh này là đảm bảo tính khả thi.

Theo tính toán của địa phương này, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), đáp ứng phục vụ 1.500.000 hành khách/năm, tương đương 600 hành khách/giờ cao điểm.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) được đề xuất hỗ trợ khoảng 2.150 tỷ đồng (chiếm 27,2%) thực hiện Dự án đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.

Phần vốn đầu tư BOT khoảng 5.742 tỷ đồng (chiếm 72,8%) bao gồm phần vốn chủ sở hữu và phần vốn vay thương mại do nhà đầu tư huy động. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 47 năm.

Tỷ phú giàu thứ 2 châu Á công bố kế hoạch xây cảng biển ở Đà Nẵng

Nguồn tin từ báo chí quốc tế cho biết Giám đốc điều hành Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Adani Ports and Special Economic Zone), ông Karan Adani, con trai cả của tỷ phú Gautam Adani, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đã nhận được phê duyệt sơ bộ từ Chính phủ Việt Nam để phát triển cảng biển mới tại Thành phố Đà Nẵng.

Tỷ phú Gautam Adani.

Ông tiết lộ Dự án sẽ có bến container và bến đa năng để xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên dự án đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu và tổng mức đầu tư cần thiết vẫn chưa được quyết định.

Theo ông Karan, cảng dự kiến được xây dựng ở Đà Nẵng sẽ là cảng quốc tế thứ 4 của Tập đoàn Adani, chỉ sau cảng Haifa ở Israel, cảng Colombo tại Sri Lanka và cảng Dar es Salaam ở Tanzania.

Tập đoàn Adani thuộc sở hữu của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu thứ 2 ở châu Á. Trong đó Adani Ports thuộc Tập đoàn là nhà vận hành cảng biển lớn thứ 4 tại Ấn Độ.

Tập đoàn đang xử lý khoảng 5% khối lượng hàng hóa từ quốc tế vào Ấn Độ và muốn tăng tỷ lệ này lên 10% vào năm 2030. Tập đoàn Adani mong muốn tìm kiếm cơ hội tại khu vực Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Phi, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Việt Nam và Campuchia- những khu vực có quan hệ thương mại nhộn nhịp với Ấn Độ.

Ông Karan cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là biến Ấn Độ thành một trung tâm hàng hải. Chúng tôi đang nhắm đến các quốc gia có nền sản xuất tốt hoặc dân số cao, hứa hẹn trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng. Chúng tôi đang tập trung vào mảng xuất khẩu ở những nước này”.

Được biết vào tháng 12/2023, chủ tịch Gautam Adani của Tập đoàn Adani chia sẻ rằng tập đoàn Ấn Độ có kế hoạch đầu tư tới 10 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo ông Adani, tập đoàn này hướng đến các khoản đầu tư vào cảng biển, năng lượng xanh, truyền tải điện, sân bay, đường thủy nội địa và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

VinFast động thổ nhà máy lắp ráp xe điện vốn 200 triệu USD tại Indonesia

Nhà máy được xây dựng tại Subang, thành phố trọng điểm công nghiệp mới của Indonesia với vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, công suất dự kiến đạt 50.000 xe/năm và có các khu vực chính là xưởng thân vỏ, lắp ráp, sơn, khu vực kiểm thử.\

Việc xây dựng nhà máy ở thị trường xe điện tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á sẽ mang đến cơ hội việc làm cho lao động địa phương, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của VinFast trong chiến lược mở rộng tại thị trường khu vực và cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện Indonesia.

Dự án cũng sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người dân địa phương, gia tăng tỷ lệ lao động lành nghề, mạnh mẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của cộng đồng địa phương cũng như đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy giao thông xanh tại Indonesia.

Tướng H.Moeldoko, Chánh văn phòng Tổng thống Indonesia chia sẻ, sự hiện diện của nhà máy VinFast tại Subang không chỉ tác động tích cực đến kinh tế địa phương mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và cải thiện đời sống của cộng đồng.

Chính phủ Indonesia luôn khuyến khích mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của VinFast sẽ mang lại sự đổi mới công nghệ và chuyển giao kiến thức rất cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô quốc gia.

Ông Temmy Wiradjaja, Tổng giám đốc VinFast Indonesia, cho biết, chỉ sau vài tháng chính thức ra mắt thương hiệu tại thị trường, sự kiện động thổ nhà máy khẳng định chiến lược mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh bài bản của VinFast tại thị trường Indonesia, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng và chinh phục thị trường xe điện tiềm năng hàng đầu khu vực. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ là minh chứng cho cam kết dài hạn của VinFast tại Indonesia, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Indonesia.

VinFast đã nhanh chóng triển khai các hoạt động kinh doanh và gia tăng nhận diện thương hiệu tại Indonesia. Công ty đã chính thức mở bán hai mẫu SUV điện VF 5 và VF e34 phiên bản tay lái nghịch, khai trương các cửa hàng đại lý, áp dụng những chính sách bán hàng linh hoạt và tiên phong giới thiệu tới thị trường chính sách thuê pin độc đáo.

PV Power đề xuất tổ hợp dự án năng lượng dự kiến 3,98 tỷ USD tại Ninh Thuận

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc nghe báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PetroVietnam Power, viết tắt PV Power) làm chủ đầu tư.

Đại diện PV Power báo cáo kết quả nghiên cứu tại bưởi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: NTV.
Đại diện PV Power báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất  Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn với UBND tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: NTV.

Tại buổi làm việc, theo đề xuất của PV Power, Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn nằm trên địa bàn xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; gồm ba Dự án thành phần là dự án thủy điện tích năng 1.440 MW (6 tổ máy), dự án điện mặt trời 3.500 MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350 MW.

Sản lượng điện của tổ hợp đạt 5,87 tỷ kWh/năm; sơ bộ tổng mức đầu tư 3,98 tỷ USD. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,2 ha cho thủy điện tích năng và khoảng 2.000 ha cho điện mặt trời (đầu tư mới kết hợp mua điện từ chủ đầu tư hiện hữu).

Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030. Mục tiêu của dự án nhằm khai thác tối đa tiềm năng năng lượng mặt trời và thủy điện tích năng tại Ninh Thuận để sản xuất điện sạch; qua đó đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đánh giá cao ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư đối với dự án, sự phù hợp của dự án với định hướng phát triển của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận và tạo điều kiện để PV Power triển khai khảo sát, lập hồ sơ dự án.

Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư để dự án có thể triển khai thực hiện; điều chỉnh diện tích phù hợp đối với đề xuất thuộc dự án điện mặt trời để tiết kiệm quỹ đất...

Trong danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư (theo Quyết định số 193, ngày 30 /3/2024), tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư vào 9 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo. Trong đó, Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa tại huyện Nnh Sơn và Bác Ái có diện tích 136,97 ha, tổng vốn đầu tư 22.865 tỷ đồng, công suất 1.200 MW.

Các tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư vào năng lượng, nông nghiệp thông minh tại Việt Nam

Ngày 16/7, Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) trực thuộc Bộ Thương mại - Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) tổ chức sự kiện “Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn 2024” (2024 Vietnam - Korea Plus Partnership Week) tại TP.HCM.

Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn 2024.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được nâng cấp thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” sau tuyên bố của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 12/2022.  

Với chủ đề về các ngành công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường như: Năng lượng và môi trường, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp thông minh… KOTRA hướng tới đặt nền móng cho hợp tác kinh tế “cộng” Việt Nam – Hàn Quốc triển vọng tương lai.

Ông Lee Ji Hyung, Giám đốc phụ trách hợp tác kinh tế thương mại của KOTRA cho biết, Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn năm nay tập trung vào những hoạt động chính như: Kết nối giao thương B2B với doanh nghiệp Hàn Quốc trong ngành công nghiệp thông minh; hội nghị giới thiệu Dự án triển vọng ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) và PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) tại khu vực phía Nam…

Trong đó, hoạt động kết nối giao thương B2B trong ngành công nghiệp thông minh thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp Hàn Quốc và khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, có cả các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Trong ngày mai, ngày 17/7, Hội nghị giới thiệu các dự án ODA và PPP khu vực phía Nam cũng được tổ chức. Theo đó, sẽ có 6 chủ đầu tư dự án là các cơ quan, tổ chức nhà nước có trụ sở tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ giới thiệu hàng chục dự án mà các nhà thầu, các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm.

Sự kiện này thu hút khoảng 40 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có các tên tuổi lớn như Dohwa Engineering, Hyundai E&C, Kumho E&C, Posco E&C, Samsung (Samsung SDS, Samsung E&A), Taihan Cable & Solution…

Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và chuyên ngành, đa phương và song phương, ở nhiều cấp độ khác nhau.

Có thể kể đến là Diễn đàn Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng, Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng, Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng …

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò trụ cột trong quan hệ hai nước. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài; đứng thứ 2 trong vai trò nhà tài trợ ODA song phương cho Việt Nam; và đứng thứ 3 về trao đổi mậu dịch hai chiều với Việt Nam.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 6/2024, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án đầu tư. Trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 3/4 tổng vốn đăng ký và gần 1/2 tổng số dự án.

Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc. Những lĩnh vực ưu tiên nhận ODA của Hàn Quốc là hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục - đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin…

Tháng 6/2023, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2030 trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị Việt Nam. Tính đến hết năm 2023, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam thông qua KOICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc, đạt khoảng 600 triệu USD và viện trợ vốn vay ưu đãi thông qua EDCF – Quỹ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Hàn Quốc, đạt gần 2,6 tỷ USD.

Về kim ngạch thương mại, trao đổi mậu dịch song phương đã tăng trưởng ngoạn mục từ con số khiêm tốn 500 triệu USD vào năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, lên đến 87 tỷ USD năm 2022 và 76 tỷ USD năm 2023. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 39 tỷ USD. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ra, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 về số lượng khách đến Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 từ 2022 đến nay, và đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam.

“Do đó, để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam nhiều năm qua kiên trì ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô; liên tục có những cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng… Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư nước ngoài có liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo sự bổ trợ lẫn nhau trong thời gian tới”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.

Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ ưu tiên các nhóm ngành để thu hút đầu tư như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số - chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển…

Hưng Yên thu hút gần 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024

Thời gian qua, môi trường đầu tư của Hưng Yên đã được cải thiện đáng kể. Các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Hưng Yên đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những định hướng đúng đắn đã đưa Hưng Yên trở thành một trong những “cứ điểm” được nhà đầu tư lựa chọn.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 578 Dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Các quốc gia có nhiều dự án và vốn đầu tư lớn là Nhật Bản (176 dự án, vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98% tổng vốn đăng ký), Hàn Quốc (154 dự án, vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88%), Trung Quốc (151 dự án, vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52%...).

Mới đây, Hưng Yên đón thêm 760 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 10.000 tỷ đồng vốn trong nước. Trong các dự án được được trao giấy chứng nhận lần này có 2 dự án đầu tư xây dựng đô thị. Đó là Dự án đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và Khu đô thị mới Đông Khoái Châu (tổng vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương hơn 122 triệu USD) và Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng (hơn 3.200 tỷ đồng, tương đương gần 127 triệu USD).

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Công ty cổ phần Vinhomes - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại An và Khu đô thị sinh thái Dream City tại tỉnh Hưng Yên đánh giá: “Kết cấu hạ tầng đang được tỉnh Hưng Yên đầu tư mạnh mẽ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước đến nay, như đường Vành đai 4, dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình... Trong quá trình phát triển, Hưng Yên đã đặc biệt chú trọng việc thu hút kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng đô thị nhằm giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, chuyên gia, người lao động cũng như các điểm đến vui chơi, mua sắm đẳng cấp nhằm nâng cao đời sống chất lượng của tỉnh. Và chúng tôi đã yên tâm đến với Hưng Yên”.

Đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Hưng Yên lần này, có thể thấy, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản... Đó là, Dự án của Công ty cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD; Dự án sản xuất tem nhãn RFID (sử dụng sóng vô tuyến để đọc và thu thập thông tin được lưu trữ trên thẻ gắn với vật thể), hơn 67 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng nh&