Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất UBND TP. HCM làm đầu mối triển khai tuyến vành đai 3, vành đai 4
Anh Minh - 15/06/2021 10:56
 
Bộ GTVT đề nghị 5 tỉnh, thành phố có tuyến vành đai 3, vành đai 4 Tp.HCM sớm đề xuất các cơ chế, chính sách để khởi động triển khai xây dựng 2 công trình giao thông trọng điểm này.
Dự án 1A và 1B, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ họa: Thanh Huyền.
Dự án 1A và 1B, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ họa: Thanh Huyền.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký công văn số 5520/BGTVT – ĐTCT về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 Tp.HCM gửi UBND Tp.HCM, UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.

Theo đó, để khẩn trương thực hiện nghiêm và hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và thực hiện các thủ tục giao cơ quan có thẩm quyền; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương triển khai đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 Tp.HCM đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố để kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội.

Các địa phương cũng được đề nghị nghiên cứu Luật Đầu tư PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 122/TB-VPCP, thực hiện các thủ tục để khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến việc thống nhất phạm vi các dự án thành phần, hướng tuyến, quy mô, rà soát quy hoạch, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) rà soát và khẩn trương có văn bản thống nhất điểm đầu, điểm cuối và phạm vi các dự án thành phần làm cơ sở để giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.

Về quy mô đầu tư giai đoạn 1 trên toàn tuyến, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên thực hiện theo quy mô quy hoạch đã được phê duyệt (đường cao tốc và đường song hành đi cùng mặt bằng) và đảm bảo tối thiểu 4 làn xe; trường hợp đối với những đoạn tuyến không thực hiện được theo quy mô quy hoạch, có thể nghiên cứu phương án đưa phần cao tốc chạy trên cao, không đi cùng mức với đường hiện hành để thuận lợi trong tổ chức giao thông.

UBND 5 tỉnh, thành phố có 2 tuyến vành đai đi qua cũng được đề nghị khẩn trương rà soát, điều chỉnh (nếu cần thiết) quy hoạch sử dụng đất hai bên tuyến đường để nghiên cứu, xây dựng cơ chế, phương án thu hồi đất, khai thác sử dụng quỹ đất; đồng thời phân công cơ quan chủ trì, đầu mối để phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, TEDI thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan để địa phương triển khai ngay việc nghiên cứu dự án.

Bộ GTVT đề nghị  UBND Tp.HCM đảm nhận nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, tổng hợp tổng thể dự án. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm là tư vấn tổng thể để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ về quy mô, giải pháp kỹ thuật thực hiện của toàn tuyến; các đơn vị tư vấn khác cùng tham gia và thực hiện các dự án thành phần.

Về tiến độ thực hiện, Bộ GTVT đề xuất phấn đấu mốc thời gian thực hiện các dự án thành phần theo hướng: hoàn thành toàn bộ tuyến đường vành đai 3 trong giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu tuyến vành đai 4 cũng hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn trước mắt, sẽ hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ, có văn bản thống nhất phạm vi, hướng tuyến, quy mô và các nội dung liên quan khác của các dự án thành phần trước ngày 17/6/2021; hoàn thiện các thủ tục để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền trước ngày 24/6/2021.

Bắc Giang xin Chính phủ 1.330 tỷ đồng xây 13,7 km vành đai 5 - vùng Thủ đô
Tuyến vành đai 5 - vùng Thủ đô qua địa phận tỉnh Bắc Giang có chiều dài 13,7 km được quy hoạch là đường cao tốc 6 làn xe.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư