Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Đến lượt Fivimart kêu khổ vì dán nhãn năng lượng
Khánh An - 30/11/2016 14:24
 
Công ty cổ phần Nhất Nam – chủ sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho rằng, thủ tục dán nhãn năng lượng đang làm khó cho các doanh nghiệp một cách không cần thiết.
.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam – chủ sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart

Là lãnh đạo của một doanh nghiệp tên tuổi, đang nắm trong tay chuỗi siêu thị Fivimart, vậy nhưng phát biểu của bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam – chủ sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại là kể khổ cho nhân viên của mình.

“Hai cái bể đông, cái nặng 600 kg, cái nặng gần 1 tấn, vậy mà nhân viên của chúng tôi phải khênh lên, đưa xuống số 8 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội – Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 - Quatest 1), sau đó lại tháo ra, khênh xuống, đưa lên đến Khu công nghiệp Thăng Long để kiểm tra hiệu suất năng lượng. Phí kiểm tra cộng lại khoảng 30 triệu, nhưng còn công sức vận chuyển, bốc xếp và bao nhiêu con người phải tham gia vào”, bà Hậu kể.

Tất nhiên, điều bà muốn gửi gắm không đơn giản chỉ là nỗi khổ khi phải tuân thủ các quy định này.

“Vấn đề là chúng tôi không phải là doanh nghiệp đầu tiên nhập bể đông này. Trước đó có doanh nghiệp đã nhập, đã được kiểm tra dán nhãn năng lượng rồi. Không hiểu sao lại không công nhận kết quả đó dù sản phẩm này không khác gì”, bà Hậu đặt câu hỏi.

Cũng phải nói thêm, Nhất Nam nhập tủ giữ lạnh thương mại, hay còn gọi là bể đông, về để chuẩn bị cho một siêu thị mới sẽ khai trương trong tháng 12 này. Cho đến giờ, bề đông mới được làm thủ tục tạm thông quan, chờ hoàn tất việc dán nhãn năng lượng xong mới được thông quan chính thức.

“Chúng tôi lo là nếu không kịp ngày khai trương, có lẽ chúng tôi lại xin về lắp lại để kịp khai trương, sau đó lại tháo ra đi kiểm định tiếp”, bà Hậu nói.

Nhưng lãnh đạo Hà Nội lại không thể trả lời câu hỏi này vì các quy định này thuộc về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.

Mặc dù không ai phàn nàn về quy định các sản phẩm thuộc danh mục này đều sẽ phải dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo minh bạch thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ hơn để người tiêu dùng ra quyết định mua sắm, nhưng thủ tục để thử nghiệm, dán nhãn quá phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí đang làm khổ doanh nghiệp.

“Đề xuất của chúng tôi là nếu cùng một chủng loại sản phẩm thì nên công nhận, chỉ cần kiểm tra một lần với sản phẩm đầu tiên nhập vào. Ngoài ra, hiệu lực của các văn bản này cũng phải được xem lại. Hiện tại, thời hiệu là 3 năm, nếu sau đó chúng tôi  nhập một máy y trang thì cũng phải làm lại các thủ tục kiểm định…”, bà Hậu có ý kiến.

Cũng phải nhắc lại, 15 ngày trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản gửi tới Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Công thương) để góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ dung một số điều Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng. VCCI cũng đã nhắc tới đề xuất này.

Cụ thể, VCCI đề nghị Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ được cấp cho nhãn hàng của nhà sản xuất (model) chứ không phải cho từng lô hàng. Nói cách khác, chỉ thực hiện việc kiểm tra đối với lô hàng đầu tiên, nếu đạt thì Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng này sẽ được áp dụng cho mọi sản phẩm của cùng nhãn hàng (model) đó ở tất cả các lô hàng sau, kể cả khác nhà nhập khẩu. Nếu có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật của mặt hàng đó thì phải kiểm tra lại.

Thứ hai, bổ sung quy định về hậu kiểm hàng hóa trên thị trường. Theo đó, cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn ngẫu nhiên một sản phẩm được lưu thông trên thị trường và đưa đi kiểm tra. Nếu kết quả thử nghiệm không phù hợp với nhãn năng lượng đang được dán thì thông báo cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra với mẫu lớn hơn. Nếu kết quả kiểm tra mẫu lớn hơn cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp không đáp ứng được mức tiêu hao năng lượng như sản phẩm mẫu thì tiến hành xử lý vi phạm theo các hình thức như phạt tiền, buộc thu hồi sản phẩm, buộc bồi thường cho người mua hàng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội lừa dối khách hàng nếu mức thu lợi bất chính lớn…

Ba là, việc xác định thời hạn 3 năm của Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng là không cần thiết, đề nghị bỏ.

Bốn là, không kiểm tra, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, không có quan hệ mua bán…

Doanh nghiệp khóc vì kiểm tra chuyên ngành
Chi phí và thời gian của quản lý chuyên ngành đang chiếm 72% thời gian thông quan của các hàng hóa nhập khẩu đang khiến các doanh nghiệp đau đầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư