Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đến năm 2035, Hà Nội sẽ sử dụng 100% xe buýt xanh
Linh Nguyễn - 22/11/2024 18:39
 
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sử dụng 50% xe buýt điện và 50% xe chạy bằng năng lượng tái tạo, với kinh phí dự kiến khoảng 48.625 tỷ đồng.

UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố".

Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022.

Đồng thời, đề án đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.

Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường. 

Theo kế hoạch chuyển đổi, đầu năm 2025, 4 đơn vị vận tải gồm Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, và Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến sẽ thí điểm vận hành 5 tuyến xe buýt điện với 76 phương tiện, trong đó có 11 xe buýt nhỏ và 65 xe trung bình. Mục tiêu của việc thí điểm là xây dựng định mức và đơn giá cho các loại xe buýt điện trung bình và nhỏ.

Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, Thành phố dự kiến thay thế xe động cơ diesel lớn đã hết khấu hao bằng xe buýt điện lớn, bắt đầu với tuyến buýt số 34 với tổng số 27 xe. Như vậy, trong năm 2025, tổng số phương tiện chuyển đổi dự kiến đạt 103 xe, chiếm 5% tổng số xe cần chuyển đổi.

Từ năm 2026, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho các loại xe buýt điện dự kiến sẽ được Thành phố ban hành đầy đủ. Các đơn vị vận tải sẽ tiến hành thay thế phương tiện hết thời gian khấu hao (10 năm) trên từng tuyến, căn cứ vào chỉ tiêu khai thác và phạm vi hoạt động của từng loại xe buýt điện có trên thị trường. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng số xe dự kiến chuyển đổi là 1.813, nâng tỷ lệ phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh lên 93,4%.

Từ năm 2031 - năm 2035, Thành phố tiếp tục chuyển đổi thêm 238 phương tiện, hoàn thành mục tiêu đến năm 2035 đạt 100% phương tiện sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh. Trong đó, tỷ lệ phân bổ dự kiến là 50% xe buýt điện và 50% xe sử dụng năng lượng CNG/LNG.

Tổng kinh phí thực hiện phương án chuyển đổi ước tính khoảng 48.625 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố Hà Nội đóng góp khoảng 35.996 tỷ đồng, phần còn lại 12.629 tỷ đồng do các doanh nghiệp tự huy động.

Chia sẻ về định hướng phát triển của xe buýt Hà Nội trong tương lai, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: "Với mục tiêu năm 2035 chuyển sang 100% xe buýt xanh, tôi nghĩ rằng hành trình này không phải của tương lai xa, mà đang diễn ra, và cần diễn ra càng sớm càng tốt. Hơn nữa, theo Luật Thủ đô vừa được Quốc hội ban hành, ở các vùng phát thải thấp, sẽ có những vùng hạn chế việc ô nhiễm do xe máy, ô tô gây ra. Cùng với nhận thức của người dân, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu."

 

Cuối năm 2021, Sở Giao thông - Vận tải đã đưa vào vận hành 3 tuyến buýt điện đầu tiên trong cả nước. Đến hết năm 2023, thành phố đã có 10 tuyến xe buýt điện. Tổng số tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện, sạch là 20 tuyến, trong đó, có 10 tuyến sử dụng điện, 10 tuyến sử dụng khí năng lượng tự nhiên CNG.

Qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành gần 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Về mặt kinh tế, việc đưa các tuyến xe buýt điện được nhân dân, hành khách đồng tình ủng hộ. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt quá 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường.

 

Cơ hội phát triển dòng xe “xanh" tại Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn
Xanh hóa ngành ô tô tại Việt Nam là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Các giải pháp như xây dựng trạm sạc, đầu tư công nghệ ô tô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư